6 nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi

    Tại Việt Nam, có khoảng 200.000 người mắc bệnh đột quỵ hàng năm. Căn bệnh này không lây nhiễm và những người mắc đột quỵ đang gia tăng nhanh chóng, trong đó 1/3 số trường hợp ở những người trẻ tuổi (từ 40 – 45 tuổi), theo thông tin từ Bộ y tế.

    Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ là do bệnh lý bẩm sinh và lối sống. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa các gen cụ thể với nguy cơ đột quỵ. Các gen này có thể đóng vai trò một phần trong việc phát triển bệnh, hoặc các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ.

    Trong bài viết “Đột quỵ tuổi 20”, BS. Nguyễn Lân Hiếu, chia sẻ: “Khác với người lớn tuổi, đột quỵ thường do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu não hoặc tăng huyết áp, đột quỵ ở người trẻ thường xảy ra đột ngột và có căn nguyên khác biệt”.

    Cụ thể, BS. Hiếu nêu ra 6 nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi, gồm:

    – Dị dạng mạch máu não: là các bất thường về giải phẫu của mạch máu não, như phình động mạch não thông động tĩnh mạch, u mạch, bệnh Moya moya.

    – Các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim.

    – Bệnh van tim gây hình thành huyết khối trong các buồng tim.

    – Bệnh lý về đông máu (thường là các biểu hiện tăng đông do thiếu các yếu tố như Protein S, Protein C và Antithrombin III).

    – Các bệnh lý tăng đông mắc phải.

    – Bệnh nhân có gen gây tình trạng tăng đông máu.

    Có thể dự phòng đột quỵ ở người trẻ bằng các biện pháp chung, gồm: kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh van tim; thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia); tăng cường vận động thể thao; tránh bị lạnh đột ngột và căng thẳng.

    Những người có nguy cơ cao như đau đầu dai dẳng, huyết áp dao động, tiền sử gia đình nhiều người đột quỵ, có thể làm thêm các thăm khám chuyên khoa thần kinh, tim mạch, chụp phim sọ não – mạch não để phát hiện các dị dạng mạch máu não chưa có triệu chứng.

    HỒNG NHI

    Recommended For You