Các thành phần chống ung thư trong thức ăn

Một số dưỡng chất có trong thức ăn có thể giúp cơ thể bạn phòng chống ung thư ở những mức độ khác nhau. Dưới đây là những chất tiêu biểu cùng với những loại thức ăn, rau, trái, củ… có chứa chúng.

Chất xơ

Xơ là một hợp chất từ thực vật không bị men tiêu hóa phân giải, là chất hỗn hợp phân tử lớn rất phức tạp. Tăng chất xơ trong bữa ăn như rau, trái cây hay ngũ cốc, có thể thông qua ảnh hưởng nhu động ruột và tận dụng chất sinh học oestrogen trong cơ thể mà giảm nguy cơ của ung thư kết tràng và ung thư tuyến vú, thậm chí còn có thể giảm nguy cơ của ung thư mồm miệng; hầu họng; thực quản; dạ dày; tiền liệt tuyến; nội mạc tử cung và buồng trứng…

Vitamin

– Vitamin A: có tác dụng ức chế khối u ác tính; có thể ức chế sự phân hóa của tổ chức thượng bì, đảm bảo trạng thái bình thường của tổ chức tế bào thượng bì. Khi cơ thể thiếu vitamin A, tế bào thượng bì sừng hóa, diễn biến thành tế bào dạng vảy cho đến khi phát triển thành ung thư. Vitamin A còn có tác dụng đưa những tế bào dị dạng đã chuyển hướng phân chia thành tế bào ung thư hồi phục lại bình thường.

– Vitamin E: có tác dụng chống oxy hóa hơi mạnh, có thể ức chế sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể, bảo vệ tế bào phân chia bình thường, ngăn cản tế bào thượng bì tăng trưởng quá mức, giảm bớt tế bào biến chuyển ung thư. Nghiên cứu lâm sàng chứng minh, vitamin E dùng chung một số thuốc chống ung thư sẽ tăng hiệu quả, đồng thời vitamin E còn có thể giảm nhẹ phản ứng độc tính của hóa trị.

– Vitamin C: có tác dụng phòng, chống ung thư rất mạnh, nó có thể ngăn cản hình thành chất gây ung thư nitrosamin, thúc đẩy sự hình thành của tế bào lympho, tăng chức năng miễn dịch cơ thể, còn có thể thông qua ảnh hưởng việc chuyển hóa năng lượng mà ức chế tế bào ung thư tăng trưởng.

– Vitamin nhóm B: phần nhiều vitamin nhóm B được xem là gen hỗ trợ của các men tham gia việc tổng hợp, phân giải và chuyển hóa hỗ tương nhau của các chất protid, lipid và glucid bên trong tế bào. Việc thiếu vitamin B1 có thể làm tăng sự hình thành và tăng trưởng nhanh của khối u. Vitamin B2 có thể ức chế hoạt tính aflatoxin, giảm phát sinh ung thư. Vitamin B6 có thể ức chế sự tiến triển và di căn của ung thư bàng quang. Thiếu vitamin B12 có thể tăng tỷ lệ phát sinh ung thư dạ dày và ung thư máu, tuy nhiên, nếu thừa lại làm cho bệnh diễn biến xấu.

Chất khoáng

– Calcium: ion calcium tham dự cả quá trình phân chia và tăng trưởng của tế bào thượng bì, mức độ calcium trong cơ thể là một trong những nguyên nhân gây ung thư trực tràng. Trong bữa ăn thường ngày, nồng độ calci trong ruột đã có thể ức chế thượng bì kết tràng tăng trưởng.

– Selenium: có thể cải thiện chức năng miễn dịch cơ thể, còn có thể thông qua điều chỉnh sự phân và, sắp xếp tế bào và thể hiện của gen ung thư… mà làm cho tế bào chuyển hướng bình thường hóa. Ngoài ra, selenium còn có thể thúc đẩy chức năng tăng trưởng và tái sinh của tế bào bình thường.

– Germanium: có thể làm cho cơ thể sản sinh chất gây nhiễu, ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư.

Các hoạt chất sinh học:

Thức ăn thực vật như ngũ cốc, đậu, rau, quả ngoài việc có chứa vitamin và chất khoáng, còn chứa nhiều hoạt chất sinh học, chẳng hạn như bêta-caroten trong rau và trái màu vàng đỏ; sitosterol trong ngũ cốc; stigmasterol, saponin, soya isoflavond trong các loại đậu; polyphenolic trong trà; hợp chất sulfur trong tỏi; acid phytic trong vỏ đậu và ngũ cốc…, hầu như tất cả những hoạt chất sinh học này đều có tác dụng chống ung thư ở những mức độ khác nhau.

BS. LÂM QUỐC KHÁNH

Recommended For You