Chú trọng phát triển nông nghiệp chủ lực ở Cần Giờ

    Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong những năm qua, UBND huyện liên tục đẩy mạnh triển khai chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

    Huyện Cần Giờ có đường bờ biển dài, bãi biển rộng; có sáu xã và một thị trấn với hơn 19.000 hộ dân (hơn 73.000 nhân khẩu). Đặc biệt, rừng ngập mặn ở Cần Giờ đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 31/3/2021, phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 511/QĐ-TTg công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

    Với những lợi thế sẵn có, huyện Cần Giờ được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như yến, cá dứa, tôm nước lợ, tôm công nghệ cao…

    Theo báo cáo UBND huyện Cần Giờ, đến cuối tháng 9/2021, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, về tình hình nuôi tôm nước lợ, huyện đã nhân rộng được 42 hộ nuôi trên diện tích 33,56 ha áp dụng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với định mức đầu tư 1,6 tỷ đồng/ha, ước tính lợi nhuận bình quân đạt từ 500 – 700 triệu đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận đạt 79,46%.

    Nhiều mô hình nuôi tôm, nuôi yến ở Cần Giờ cũng được hỗ trợ lãi vay để đầu tư mở rộng, áp dụng công nghệ cao. Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM, từ năm 2011 đến tháng 6/2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ lãi vay cho các chủ đầu tư tại huyện Cần Giờ với kinh phí lên tới 179 tỷ 50 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi tôm, nghêu, heo. Nhờ được tiếp sức, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của huyện Cần Giờ được đánh giá hoạt động hiệu quả và xếp loại tốt. Trong đó, với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản có HTX Thuận Yến, HTX Long Hòa; ở lĩnh vực diêm nghiệp có HTX muối Thiềng Liềng, HTX nông nghiệp – dịch vụ – du lịch Nhạn Trắng.

    Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp do gặp khó về vốn, một số vấn đề trong quá trình sản xuất đối với việc xây dựng công trình phụ trợ còn vướng về mặt pháp lý. Đồng thời, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đầu ra cho sản phẩm cũng là bài toán khó với các HTX hiện nay.

    Trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho chuỗi cung ứng nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thủy sản gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thu hoạch sản phẩm nuôi trồng đã đạt kích cỡ, vận chuyển tiêu thụ trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Cùng với đó, giá bán sản phẩm đầu ra thấp làm cho giá trị sản xuất thủy sản giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

    Trong thời gian tới, để hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, huyện Cần Giờ cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Kết hợp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm nước lợ, cá dứa, giúp người nông dân an tâm sản xuất.

    UBND huyện cần tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng nhãn hiệu đối với sản phẩm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm VietGAP để nâng cao giá trị tôm nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch. Khuyến khích hình thành thêm nhiều hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, thu hút người dân tham gia vào các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

    AN CHI

    Ảnh chụp nuôi tôm công nghệ cao tại Cần Giờ.

    Recommended For You