Công trình nghiên cứu nổi bật của ba nhà khoa học nữ xuất sắc

        Tạp chí Asian Scientist (Singapore) đã công bố kết quả bình chọn 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020. Việt Nam có 3 nhà khoa học được vinh danh trong danh sách này: PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân, TS. Phạm Thị Thu Hà và TS. Trần Thị Hồng Hạnh.

        PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân được vinh danh với đề án nghiên cứu tổng hợp vật liệu nano mới để tăng cường hiệu quả của pin nhiên liệu. Đề tài mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2. PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân là trưởng phòng khoa học công nghệ và quan hệ đối ngoại, Trường đại học tài nguyên và môi trường TP.HCM.

        PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời là những dạng năng lượng tái tạo, từ những năm 2009, khi nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Đây là một hướng nghiên cứu rất cần thiết và mang tính cấp bách vì nguồn năng lượng hóa thạch là nguồn năng lượng chính có trữ lượng hữu hạn, dần cạn kiệt và ngày càng khan hiếm theo thời gian. Ngoài ra, việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch trong một thời gian dài cho đến nay đã làm cho lượng khí nhà kính trong khí quyển trái đất vượt quá ngưỡng giá trị cân bằng dẫn đến các hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng khốc liệt, tần suất ngày càng tăng. Pin nhiên liệu là một trong những dạng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp năng lượng đang cần phát triển và thúc đẩy.

        PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân.

        PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cho biết, Trường đại học tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP.HCM là một trong hai trường công lập trực thuộc Bộ TN&MT, nên Bộ TN&MT, lãnh đạo nhà trường luôn chú trọng và quan tâm công tác NCKH các lĩnh vực thuộc TN&MT. Đây cũng là động lực để các nhà khoa học tiếp tục công hiến và phát huy năng lực nghiên cứu, ngoài ra sự thành công của các thế hệ đào tạo cũng là nguồn động viên rất lớn cho người nghiên cứu tiếp tục phát huy và theo đuổi con đường đã lựa chọn.

        *

        TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Viện hóa sinh biển, thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam là một trong 3 nhà khoa học Việt Nam được bình chọn vào danh sách này. Trong công trình nghiên cứu của mình, TS. Trần Thị Hồng Hạnh và cộng sự đã sử dụng phương pháp sắc ký để tách chiết, phân lập, xác định các hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học từ các nguồn dược liệu, đồng thời sử dụng phương pháp sắc ký vân tay để xác định hàm lượng các hoạt chất, từ đó làm cơ sở để đánh giá chất lượng dược liệu được sử dụng. Việc sử dụng các phương pháp sắc ký kết hợp với thiết bị, công nghệ hiện đại đã giúp quá trình nghiên cứu được thực hiện nhanh, chính xác, cho độ tin cậy cao, góp phần nâng cao khả năng sử dụng các loại dược có nguồn gốc từ thiên nhiên một cách an toàn và hiệu quả.

        Hiện nay, việc xác định chính xác các hợp chất hữu cơ có trong dược liệu còn nhiều khó khăn như: hàm lượng các chất có hoạt tính trong mẫu nhỏ, mức độ pha tạp giữa các chất có đặc điểm hóa học gần giống nhau rất cao, sự biến đổi của các chất trong quá trình tách chiết rất dễ xảy ra… Thách thức đối với nhà khoa học là xây dựng được quy trình tách chiết tối ưu; tìm được các hợp chất mới, có hoạt tính; xác định đúng hàm lượng của hợp chất có trong mẫu; đánh giá được mức độ an toàn của các hợp chất để từ đó định hướng phát triển được các loại dược liệu cho từng loại bệnh.

        TS. Trần Thị Hồng Hạnh.

        Với hướng nghiên cứu này và phương pháp nghiên cứu hiện đại, TS. Trần Thị Hồng Hạnh là tác giả, đồng tác giả của 39 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI, 8 công trình trên các tạp chí chuyên ngành trong nước, là chủ sở hữu của 1 bằng độc quyền sáng chế. Chị cũng đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, 2 đề tài cấp cơ sở được nghiệm thu xuất sắc.

        *

        Nhà khoa học tiếp theo là TS. Phạm Thị Thu Hà, chuyên ngành nông nghiệp, với nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Hiện TS. Hà là phó viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống (GRIS) của Trường đại học Tôn Đức Thắng.

        Theo TS. Phạm Thị Thu Hà, hiện tại Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện tạo ra được những giống cây trồng chất lượng; nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào nguồn nhân lực, cơ chế và phương thức tổ chức cho phù hợp.

        TS. Phạm Thị Thu Hà.

        Lần đầu tiên GRIS của Trường đại học Tôn Đức Thắng được quốc tế biết đến tại hội nghị về nấm bệnh đạo ôn trên lúa ở Trung Quốc vào tháng 5/2019. Trong năm 2019, lần nữa cả nước lại biết đến GRIS thông qua giải thưởng L’Oreal UNESCO For Women in Science. Đây là sự hỗ trợ đã góp phần giúp cho TS. Phạm Thị Thu Hà có một nguồn kinh phí để không gián đoạn nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của TS. Phạm Thị Thu Hà về “sàng gen chống chịu mặn của các giống lúa bằng marker phân tử” đã được đăng trên tạp chí quốc tế và được Hội nghị quốc tế nông nghiệp do Tây Ban Nha tài trợ mời tham dự để báo cáo vào tháng 10/2020. Từ đó đến sự công nhận trong 100 nhà khoa học châu Á là những nỗ lực không ngừng của TS. Phạm Thị Thu Hà, với sự hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp từ Viện nghiên cứu HATRI, L’Oreal UNESCO For Women in Science và Trường đại học Tôn Đức Thắng.

        N. HOA

        Recommended For You