Độc đáo bảo vật thời Nguyễn

    Hiện nay, các bảo vật quốc gia này lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, được giới thiệu rộng rãi đến công chúng, du khách.

    1. Đồ ngự dụng pháp lam

    Pháp lam là danh xưng do triều đình nhà Nguyễn đặt ra để gọi những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu, do các nghệ nhân trong quan xưởng của triều Nguyễn, tiếp thu từ kỹ nghệ chế tác “pháp lang” (falang) của người Trung Quốc.

    Căn cứ vào các tài liệu, thư tịch và hiện vật pháp lam ở Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế, cho thấy kỹ nghệ chế tác pháp lam được nghệ nhân Việt Nam tiếp thu từ nước ngoài, nhưng có sáng tạo.

    Những sản phẩm tuyệt mỹ đó xuất hiện nhiều nhất dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là buổi thịnh thời của triều Nguyễn.

    Một số nghệ nhân Việt được chọn, gửi đi học nghề ở Trung Hoa, đương thời là một quốc gia nổi tiếng về các nghề thủ công, mỹ nghệ.

    Nghề pháp lam ở Huế ít phổ biến, do nguyên liệu phải mua từ nước ngoài rất tốn kém, kỹ thuật chế tác phức tạp, muốn theo học nghề này phải có kinh tế gia đình khá giả, ổn định.

    Sau gần 150 năm tồn tại, nhà Nguyễn để lại trên đất cố đô Huế những tác phẩm pháp lam có một không hai, vừa là một loại hình trang trí, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật.

    Nghệ thuật pháp lam không phải là một nghệ thuật phổ thông, đối tượng tiêu thụ sản phẩm là thành phần giàu có: vua, hoàng thân quốc thích, quan lại, phú hộ. Trong dân gian, ít gia đình nào sở hữu các sản phẩm pháp lam.

    2. Bình phong sơn son thếp vàng

    Việc bố trí bình phong tại các ngôi nhà của người Việt chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của thuyết phong thủy, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong ngôi nhà.

    Người Việt quan niệm, bình phong để che kín ngôi nhà cho ấm cúng và ngăn chặn gió độc, hay để ngăn chặn những thứ khí chẳng lành.

    Nó được trang trí cầu kỳ, tinh xảo khi đặt trong thư phòng, vì vậy, có nhiều giá trị cho việc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật.

    Các nhà điêu khắc tài giỏi đã khéo léo vận dụng nghệ thuật thư họa để trang trí cho mỗi bức có một vẻ khác nhau, rất có hồn, để tạo nên một bức bình phong vừa mang tính độc đáo vừa mang tính nhân văn.

    Ngoài việc chọn những tấm gỗ quý, rồi được trang trí hoa văn họa tiết cầu kỳ, còn cần đến tài năng thư pháp của những bậc văn nhân nổi tiếng.

    Trên mỗi bức, nhiều bài thơ được khắc theo hình chiếc quạt giấy và rất tinh xảo, thể hiện theo các thể loại chữ Hán, Nôm khác nhau.

    Loại bình phong bằng gỗ có chân đế, khi di chuyển có thể tháo rời từng phần, để tiện vận chuyển. Bình phong ban đầu là kiểu thức tấm phên chắn ởhàng hiên, phòng khách, thư phòng.

    Sau này đến thế kỷ 13 – 14, thú chơi bình phong chính thức đi lên “đẳng cấp” vương giả.

    Thời nhà Nguyễn, vua chúa, quan lại, phú hộ thường dùng những bức bình phong này làm quà tặng khi về nhà mới, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt. Con cháu đời sau gìn giữ như cổ vật gia bảo quý hiếm.

    3. Cành vàng lá ngọc

    Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ 4 hiện vật cành vàng lá ngọc có thân và cành cây bằng gỗ thếp vàng, lá ngọc, gắn trong chậu pháp lam. Gồm có: 2 chậu lan, 1 chậu mai trắng, 1 chậu đào lựu.

    Hai chậu hoa lan có thân bằng gỗ thếp vàng, hoa bằng đá thạch anh màu tím nhạt, lá bằng đá màu xanh nhạt, có nhụy là các hạt nhỏ màu vàng gắn vào nhau bằng các sợi kim loại. Toàn bộ được đặt trong chậu kim loại màu vàng, thành chậu chạm nổi các chi tiết hoa lá, có 4 chân quỳ.

    Một chậu đào lựu, thân bằng gỗ thếp vàng, hoa đỏ, lá màu xanh nhạt. Xung quanh “gốc” đào có các loài lựu, trúc, nấm linh chi và cũng có hai giả sơn màu xanh phối xung quanh. Toàn bộ được đặt trong chậu bằng pháp lam, hình chữ nhật, trang trí hoa lá dơi, chữ thọ.

    Một chậu mai thân bằng gỗ thếp vàng, hoa bằng đá trắng, lá màu xanh nhạt. Xung quanh “gốc” mai có các loài lan, cúc, trúc bằng đá để làm nền. Ngoài ra, còn có hai giả sơn nhỏ phối bên cạnh. Toàn bộ được đặt trong chậu bằng pháp lam, trang trí hoa lá dơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc.

    4. Ngự lịch có một không hai

    Mỗi năm, Khâm Thiên Giám phải làm ra một cuốn lịch mới. Đây là cơ quan duy nhất được làm lịch cho cả nước sử dụng.

    Cuốn “Ngự lịch” trong hình là lịch đặc biệt dâng lên cho vua, “Quan lịch” là lịch dành cho các quan và “Dân lịch” là lịch ban phát xuống các làng xã.

    Ngoài ra, còn “Long phụng lịch” là thứ lịch chỉ để thờ tại các miếu trong đại nội và thờ tại các lăng tẩm nhà vua.

    Về hình thức, cuốn Ngự lịch, ruột vẫn đóng theo kiểu sách cổ, nhưng bìa làm bằng một tấm lụa màu vàng, thêu rồng mây liền từ sau ra trước gọi là “Đoạn bát ty”. Ở giữa có một cái nhãn, cũng bằng chất đoạn, màu hoa đào, thêu nổi hai chữ “Ngự lịch”.

    Kỹ thuật in lịch hồi ấy rất lạc hậu, dùng mộc bản gỗ thị khắc chữ, mỗi bản in một tờ. Nhưng trong lịch không bao giờ sai sót, nếu không sẽ bị trị tội khi quân, chém đầu.

    Đường sá khó khăn, phương tiện vận chuyển thô sơ, vào năm 1809, vua Gia Long cho các địa phương báo cáo về Bộ Hộ số lịch tiêu chuẩn. Bộ Hộ chuẩn bị từ đầu tháng 4, Bắc thành (Hà Nội) và Gia Định thành sẽ cử người đến Khâm Thiên Giám – Huế nhận bản thảo, đem về tự khắc và in.

    Đến tháng 10, lại cử người đến kinh thành nhận bìa lịch có đóng ấn của Khâm Thiên Giám (ấn Đại Nam Hiệp Kỷ lịch chi bảo).

    Đóng lịch xong, phải chờ đến ngày triều đình làm lễ “Ban sóc”, thì các nơi mới làm lễ “Thọ lịch” và ban phát lịch.

    ĐOÀN XANH

    Recommended For You