Khí công và bệnh cao huyết áp

    Cao huyết áp là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi, chiếm 8 – 12% dân số. Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng cao huyết áp như tiểu đường, thuốc lá, tăng lipid máu, di truyền.

    Cao huyết áp là bệnh lý gây tử vong và di chứng thần kinh nặng nề như liệt nửa người, hôn mê với đời sống thực vật, đồng thời có thể thúc đẩy suy tim, thiếu máu cơ tim làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống  và gia tăng khả năng tử vong.

    Do đó điều trị huyết áp cao là vấn đề cần lưu ý trong cộng đồng vì những hậu quả to lớn của nó.

    Cao huyết áp thường không triệu chứng do đó nhiều người chỉ nhận ra bản thân họ bị cao huyết áp khi họ bị tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ).

    Không thể căn cứ vào triệu chứng nhức đầu, chóng mặt để uống thuốc hạ áp bởi vì nhức đầu, chóng mặt không phải thường xuyên xuất hiện khi huyết áp tăng cao đột ngột và các triệu chứng này có thể gặp ở bệnh lý khác (ví dụ nhức đầu do căng thẳng,viêm xoang, và chóng mặt có thể do tụt huyết áp…).

    Tốt nhất nên thường xuyên kiểm tra huyết áp định kỳ với những người chưa cao huyết áp và khi nghi ngờ cao huyết áp cần đo huyết áp nhiều lần.

    Nếu huyết áp vẫn cao thì nên bắt đầu biện pháp điều chỉnh cách sống (tập thể dục, cai thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn) và xem xét điều trị thuốc.

    Khi nào gọi là cao huyết áp?

    Khi trị số huyết áp tâm thu > 140 mmHg và huyết áp tâm trương > 90 mmHg được xem là cao huyết áp. Đối với người già, dạng cao huyết áp phổ biến là cao huyết áp tâm thu đơn thuần, tức là chỉ số huyết áp tâm thu >160 mmHg nhưng huyết áp tâm trương không cao (< 90 mmHg).

    QUAN ĐIỂM CỦA KHÍ CÔNG VỚI BỆNH LÝ CAO HUYẾT ÁP

    * Trong khi tây y cho rằng cao huyết áp là do :

    – Hệ thần kinh thực vật, do hưng phấn trực giao cảm làm co thắt mạch máu gây cao huyết áp.

    – Nồng độ muối gia tăng trong cơ thể.

    – Hệ thống nội tiết ở thận và tuyến thượng thận.

    – Căng thẳng thần kinh.

    * Khí công cho rằng:

    – Dương khí dâng tràn lên ở thượng tiêu (phần trên cơ thể) gây nên mất cân bằng âm dương, có nghĩa là dương thịnh âm suy và âm hư hỏa vượng.

    – Thất tình lục dục chi phối do stress.

    – Rối loạn khí : chân khí trì trệ, khí bốc ngược lên đầu, tụ lại ở ngực.

    – Bế tắc kinh mạch: vòng âm dương Nhâm Đốc bị rối loạn mất cân bằng tạo nên dương thịnh âm suy gây cao huyết áp.

    TÁC DỤNG CỦA KHÍ CÔNG

    – Ngồi tập ở tư thế thoải mái. Thả lỏng thư giãn hoàn toàn, không tạp niệm chỉ hít thở là giúp loại bỏ sự căng thẳng thần kinh là một nguyên nhân gây cao huyết áp.

    – Thở bụng giúp đưa máu xuống thận đầy đủ tránh gây bài tiết chất renin làm cao huyết áp.

    – Khí công làm hơi gia tăng CO2 làm giãn nở mao mạch ngoại biên, hậu quả là hạ huyết áp.

    – Khí công với hơi thở điều hòa có tiết luật làm quân bình hệ trực và đối giao cảm giúp huyết áp ổn định.

    Khí công tốt cho sức khỏe.

    LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN

    Người bị cao huyết áp nên chọn cách tập luyện gì? Thể dục thể thao? Khí công?

    Một khi đã bị cao huyết áp thì  nên tránh những động tác mạnh mẽ có tính cách cơ bắp và tiêu hao năng lượng như tập tạ, chạy marathon, võ thuật, tennis… vì sẽ làm cho quá hưng phấn hệ trực giao cảm tức là dương thịnh, máu sẽ sôi lên và tuần hoàn quá nhanh sẽ đưa đến co cơ bắp, gia tăng lưu lượng máu gây cao huyết áp thêm rất nguy hiểm.

    Ngược lại nên chơi những môn nhẹ nhàng, thư giãn, ít co cơ và ít tiêu hao năng lượng như đi bộ chậm rãi, khí công thì sẽ làm cho hệ thống mao mạch ngoại biên giãn nở gây hạ huyết áp.

    PHƯƠNG PHÁP KHÍ CÔNG ĐIỀU TRỊ CAO HUYẾT ÁP

    Nguyên lý

    – Dẫn khí xuống dưới để dương khí không còn bốc lên trên.

    – Thở hít nhẹ nhàng sâu dài, thì thở ra dài hơn với tỷ lệ hít – thở là1 – 2 để làm hưng phấn hệ đối giao cảm hoặc tăng âm lên để ức chế dương, hậu quả là hạ huyết áp.

    – Điều tâm: bằng an, xóa tạp niệm, diệt thất tình lục dục, tránh stress dễ gây cao huyết áp.

    Thực hành

    Tĩnh công: ngồi xếp bằng thư giãn, thả lỏng thoải mái, hai bàn tay chồng lên nhau đặt ở đan điền bụng dưới, nam tay trái trong, nữ tay phải trong. Hít thở thuận sổ tức tỷ lệ 1 – 2 chậm, nhẹ, sâu, dài. Hít vào bằng mũi phình bụng, lưỡi đặt trên vòm họng, thở ra dài hơi gấp đôi bằng mũi. Mỗi ngày tập chừng 30 phút buổi sáng hoặc sáng tối đều được.

    Động công: thở bụng thuận sổ tức 1 – 1, hít vào bằng mũi, thở ra bằng mũi, lưỡi đặt trên vòm họng, không nín, 2 kỳ thở bằng nhau, hít thở sâu dài, từ tốn và động tác thật chậm rãi.

    – Đứng thẳng. Hai chân mở rộng bằng vai, hai tay thả lỏng để xuôi thẳng hai bên thân. Thở bình thường (h.1).

    – Đứng nghiêm, hai tay đưa sang hai bên lên cao quá đầu, chắp hai bàn tay lại, nhón chân lên. Hít vào, quán tưởng khí xuống huyệt dũng tuyền giữa 1/3 trên của lòng bàn chân (h.2).

    – Hai tay hạ xuống ngực, gót chân hạ theo. Hai bàn tay tiếp tục lật úp xuống vuốt dọc đường giữa của thân xuống hết tầm rồi tách ra hai bên đùi. Thở ra không quán tưởng gì cả, tự nhiên thoải mái (h.3, 4, 5).

    Có 3 trường hợp:

    Nếu huyết áp không cao không thấp : thời gian đưa hai tay lên bằng thời gian đưa xuống, thở cũng vậy, nghĩa là 2 kỳ thở bằng nhau.

    Nếu bị cao huyết áp : thời gian đưa tay lên nhanh, đưa xuống chậm với tỷ lệ 1 – 2, hít vào và thở ra cũng theo tỷ lệ như vậy.

    Nếu bị thấp huyết áp : thời gian đưa tay lên chậm hơn đưa tay xuống với tỷ lệ 2 – 1, hít thở cũng tỷ lệ 2

    LÊ VĂN VĨNH (TP. HCM)

    Recommended For You