Người mang lại vẻ đẹp cho chân đê

    Đoạn đường đê ven sông Đáy, thuộc địa phận xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội từ bụi bặm, trơ trọi bỗng trở nên xanh tươi cùng ngàn bông hoa đua sắc. Để có được như ngày hôm nay, cụ ông Phùng Đình Lộc (85 tuổi), thôn Đông Lao, xã Đông La đã phải bỏ ra 9 năm để tự ươm cây, trồng hoa, trồng cây, cắt tỉa thảm cỏ…

    Đứng bên khu vườn của mình, ông Lộc tâm sự với chúng tôi: “Ngày xưa cứ hôm nào rỗi, tôi lại đi lang thang trên triền đê sông Đáy ngắm cảnh, tập thể dục. Từ ngày đê được bê tông hóa, đã khang trang hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, cỏ mọc um tùm, phân trâu, bò có khắp nơi. Đặc biệt từ năm 2008, khi Hà Tây sát nhập vào Hà Nội thì tôi nghĩ làng quê càng cần văn minh và sạch đẹp hơn”.

    Từ năm 2008, ông Lộc đã tình nguyện mang dao, liềm ra triền đê ở thôn mình cắt tỉa cỏ, nhổ cây dại. Cứ một mình làm hết ngày này sang ngày khác nên có một số người nghĩ ông bị gàn, hâm. Sau một thời gian, cây cỏ dại đã được cắt xong, ông Lộc lại dùng các dụng cụ tự có để cần mẫn cắt, xén từng đám cỏ thành những thảm cỏ thẳng, bằng chẳng kém gì các khu thảm cỏ ở nội thành do những lao công làm hàng ngày. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tết trồng cây, về bảo vệ môi trường, lại được trời phú cho sức khỏe tốt nên ông Lộc chẳng từ nan bất cứ công việc hữu ích gì cho xã hội, cho làng xóm quê mình.

    Sau khi đê đã sạch hơn, đám cỏ dại đã có đường nét hơn, ông bắt đầu đi khắp làng trên, xóm dưới xem nhà nào có cây đa, cây si, cây bàng, cây trứng cá… xin về ươm. Ông ươm cây giống trong những hộp xốp ở vườn nhà mình trước khi đem ra trồng trên đê. Để cho đê đẹp hơn, ông Lộc quyết định trồng thêm một số loại hoa. Những hàng thiết mộc lan chạy dài dưới chân đê đến tận quanh khu đình chùa của thôn Đông Lao. Thời gian gần đây, rất nhiều loại hoa đã có mặt trên triền đê sông Đáy.

    Nhìn đoạn đường đê mà cũng ngỡ như ở trên các con phố lớn của Hà Nội. Nào là hoa huệ trăng trắng, vàng vàng, rồi những luống mười giờ được cắt xén thành hàng lối gọn gàng. Các cụm hoa bông phấn (hay còn gọi là bông bốn giờ) màu tím thi nhau đua nở trên triền đê. Còn là cả hoa hồng, hoa hòe, địa lan, thiết mộc lan…

    Ngày ngày ông Lộc vẫn ra tưới cây, tưới hoa ở chân đê.

    Ông Lộc, từ ý thích cá nhân, dần dần chuyển sang suy nghĩ rằng cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, cũng như góp phần làm đẹp cho bộ mặt làng quê của mình. Đối với ông, trồng cây, trồng hoa cũng cần phải có bí quyết. Một số cây hoa đẹp, cây cảnh đẹp ông mang về ươm, chăm sóc ở hộp xốp. Sau khi cây đã sống và sinh trưởng tốt thì ông mới đem ra trồng ở triền đê. Nếu mang về trồng ngay ở đê thì rất khó sống vì đất ở đây thường không tốt, xe cộ, bụi bặm đi qua nếu hoa không được bảo vệ, tưới nước thì sẽ chết ngay.

    Trồng xong là phải mang nước ra tưới, rồi lại phải thường xuyên trông nom để bọn trẻ con hay trâu bò không phá hoại. Với ông Lộc, khi hoa nở và hàng cây xanh, thảm cỏ đẹp trên đê chính là niềm vui bất tận. Ông lão chả bao giờ đòi hỏi chuyện tiền bạc, thành tích gì với chính quyền địa phương. Ông còn tự tay cầm chổi quét rác, vệ sinh môi trường sống chung của làng, xã. Ông không ngừng giáo dục con cháu và vận động mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường làng xóm xanh – sạch – đẹp.

    NGUYỄN THỊ HƯỜNG

    Recommended For You