Người Sê Đăng làm du lịch cộng đồng

    Đến làng văn hóa du lịch Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), ngoài trải nghiệm văn hóa độc đáo của người bản địa, du khách không khỏi bất ngờ với cách làm du lịch của người Sê Đăng, điều mà trước đây họ chưa từng làm vì chỉ quen với công việc đồng áng.

    Cuộc sống người Sê Đăng qua góc nhìn của du khách

    Đứng trên đồi thông dọc theo quốc lộ 24 nhìn xuống làng văn hóa du lịch Kon Pring, mái nhà rông sừng sững hiện ra, phóng tầm mắt ra xa là những cánh đồng lúa xanh rì uốn quanh những ngôi nhà mái ngói đỏ sẩm.

    Xen lẫn trong những dãy nhà của người Sê Đăng là nhà lưu trú dành cho khách du lịch. Đây là điểm lưu trú khá lý tưởng, sau một đêm được trải nghiệm những vũ điệu xoang, tiếng chiêng ngân vang dưới ánh lửa bập bùng bên mái nhà rông. Trong không gian tịch liêu, thanh vắng cảm nhận rõ sự bao la của đất trời, cảm giác thời gian như đứng yên, mọi lo toan bộn bề của cuộc sống như tan biến.

    Toàn cảnh nhà lưu trú.

    Sáng thức giấc ngắm bình minh giữa tiết trời se lạnh, vang xa là tiếng gà gáy, tiếng gió rít, tiếng cười nói của người dân đang canh tác trên cánh đồng, cảm nhận cuộc sống thật bình yên.

    Lúc khí trời ấm lên, có thể ra đồng cùng người Sê Đăng trải nghiệm làm lúa cạn, lùa đàn gà, đám heo để cho ăn thật thú vị.

    Rồi vào ngôi nhà rông hoặc nhà của bất kì người dân nào, mặc trang phục truyền thống của người Sê Đăng chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc đẹp, hoặc có thể ngồi bên bếp lửa hồng để nghe kể về tập tục, văn hóa của người bản địa.

    Khách nghỉ tại nhà lưu trú.

    Homestay “made in Sê Đăng”

    Chị Vũ Thị Hồng Phương – cán bộ văn hóa của huyện Kon Plông say sưa nói với chúng tôi về du lịch cộng đồng, về làng Kon Pring.

    Đặc biệt, Phương cứ nhắc đi nhắc lại: làng văn hóa du lịch Kon Pring có lắm thứ để trải nghiệm, cần ở lại một đêm để hiểu hết cái chất đắm say của văn hóa Sê Đăng. Rồi chị lại giới thiệu chúng tôi với chị Y Lim, một trong số những người ưu tú được địa phương chọn làm du lịch cộng đồng.

    Gặp chị Y Lim chúng tôi khá bất ngờ với khả năng giao tiếp Tiếng Việt khá sỏi, giọng nói sắt bén, sắp xếp câu chữ khá mạch lạc.

    Phương giới thiệu về chị Y Lim: “Nằm trong đội văn nghệ dân gian, lại biết làm rượu cần cổ, biết chế biến các đặc sản rau rừng, cá suối, gà đồi, heo rừng lai… thành món ăn đặc sản của người Sê Đăng. Lại là người dân bản địa, hiểu được nhiều tập tục, văn hóa của người Sê Đăng, nên khi làm du lịch cộng đồng, Chị Y Lim rất được lòng du khách”.

    Chị Y Lim giới thiệu với khách phong tục tập quán của đồng bào Sê Đăng.

    Chị Y Lim tâm sự: “Khi được ‘giữ’ nhà lưu trú, tôi cố gắng làm tròn vai để du khách hài lòng, phục vụ những bữa ăn ngon đậm chất Sê Đăng và chăn êm nệm ấm để ru khách vào giấc ngủ sâu.

    Khi khách có yêu cầu muốn khám phá rừng nguyên sinh, thác nước, tôi kim luôn người dẫn đường.

    Rồi có những đoàn khách thích trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, tôi cùng đội chiêng tổ chức show hát múa, diễn tấu chiêng ngay tại nhà rông.

    Hoặc cùng khách trải nghiệm làm lúa cạn, cây mỳ, chăn nuôi gia súc.

    Khi gặp trở ngại trong giao tiếp, tôi nhờ đến công cụ Google để dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho du khách hiểu”.

    Chị Y Lim chụp hình lưu niệm với khách.

    Chị Y Lim còn tự hào khoe với chúng tôi: “Trước đây, tôi chỉ biết làm lúa rẫy, ai kêu gì làm nấy, kiếm được mỗi tháng 2 triệu đồng.

    Khi chuyển sang làm du lịch cộng đồng, tôi có thu nhập tốt hơn, khoảng từ 10 – 15 triệu đồng mỗi tháng.

    Rồi làm rượu cần, bán đặc sản Măng Đen cũng có thêm thu nhập.

    Làm du lịch giúp gia đình tôi và người dân ở đây có kinh tế khá hơn”.

    Giới thiệu đặc sản Măng Đen với khách.

    Tiếp lời chị Y Lim, chị Vũ Thị Hồng Phương nói với chúng tôi với giọng điệu đầy tự hào: “Để du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch đặc trưng, Kon Plông đã hỗ trợ dân làng trên 3 tỷ đồng làm đường nội bộ, trồng mai anh đào trong khuôn viên nhà rông, xây dựng giếng nước, công trình vệ sinh công cộng, đầu tư cho 3 hộ dân làm homestay đón khách lưu trú.

    Ngoài ra, để trang bị kiến thức kinh doanh du lịch cho bà con dân làng, Kon Plông chọn người ưu tú đưa đi tham quan thực tế cách làm du lịch cộng đồng ở bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, tập huấn kiến thức, kỹ năng tại chỗ cho bà con.

    Vượt qua bỡ ngỡ ban đầu, rồi cả tâm lý ngại giao tiếp với người lạ, người dân Kon Pring nay đã làm du lịch rất tốt.

    Không ít hộ dân mỗi tháng có thu nhập trung bình từ 3 – 5 triệu đồng nhờ tham gia hoạt động đưa đón, phục vụ du khách. Những gia đình cung cấp thực phẩm tươi sống: rau rừng, gà đồi… cũng có thu nhập ổn định hơn.

    Đặc biệt, UBND huyện Kon Plông đã triển khai thực hiện tốt quy chế hoạt động điểm du lịch cộng đồng và tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường theo đúng tiêu chí của làng văn hóa du lịch cộng đồng”.

    Người Sê Đăng nướng thịt đãi khách mừng nhà mới.

    Làng văn hóa du lịch Kon Pring rất hút khách, hầu hết ai đã đặt chân đến Măng Đen đều đến địa điểm này du lịch, nên lượng khách tăng đột biến trong năm 2019 với trên 200.000 lượt.

    Ngoài làng văn hóa du lịch Kon Pring, huyện Kon Plông cũng đưa làng văn hóa du lịch Violet của xã Pờ Ê và làng Kon Tu Rằng của xã Măng Cành vào khai thác du lịch homestay.

    Khách lưu lại kỉ niệm với em gái Sê Đăng.

    VỸ PHƯỢNG

    Recommended For You