Phan Trung Nghĩa trải lòng với “Chân quê rơm rạ”

    Bút ký “Chân quê rơm rạ” của nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa (Bạc Liêu) đã để lại trong tôi sâu sắc và khắc khoải những dư âm.

    Có thể nói, tập bút ký “Chân quê rơm rạ” đã trang trọng phác họa hình vóc, văn hóa của vùng đất Bạc Liêu ngày cũ. Tất cả dường như quến đặc mùi vị cũng như hơi thở của quê hương. Tác giả như đưa tay vẫy gọi dòng sông ký ức chỉ như vừa mới hôm qua.

    Ở đó có con sông quê, có “Mùi làng”, có “Biển rất gần”; có rặng bần, liếp rau sau nhà, có những đặc sản bình dân, có những địa danh “Đồng chó ngáp”, xóm Cả Vĩnh…; có những mùa gặt, mùa rẫy, mùa gió chướng, mùa mưa, mùa cá; có “nếp sống không đi chợ”; có sự đùm bọc chia sẻ yêu thương và “mần vần công” vào dịp cưới hỏi, lễ tết,…

    Không chỉ vậy, ở đó còn có những con người tên tuổi rạng danh như danh sĩ tài hoa, đức độ, người con ưu tú của đất Bạc Liêu với cái tên Trọng Nguyễn và những con người bình dị, thầm lặng góp công cho đời như chị ba Kim Hương nuôi con thay chồng đi kháng chiến; như dượng Tư – ông thầy đìa thượng thặng và hào sảng.

    Cũng có không ít những thân phận của kiếp thương hồ, thân phận nhà nông như người cha phải “chảy máu con mắt” mới làm ra hạt gạo, người má đôn hậu nhân từ “thương người như thể thương thân”, như hai Bình – gã nông dân lang bạt của làng Vĩnh Trạch sống có tình, hiền lành, giỏi giắn nhưng “Miếng cơm Bình ăn toàn mồ hôi nước mắt, đời Bình sống đầy dẫy những đau thương.

    Vậy mà Bình không trở thành kẻ lừa lọc, đổ đốn hư người hay kẻ nát rượu….” bởi hai Bình vẫn luôn “có cái gia đình chung là làng Vĩnh Trạch” (Gã nông dân lang bạt của làng Vĩnh Trạch)… Tất cả hình ảnh, con người hiện lên trong tập bút ký đều đúc rút từ những chiêm nghiệm, từ đôi mắt trải đời của tuổi nghề và phải “hằn thật sâu trong tâm khảm”, phải gắn bó máu thịt lắm nhà văn mới có thể khắc họa nên.

    Hầu như các tác phẩm trong tập bút ký “Chân quê rơm rạ” đều có hình ảnh, hương vị tết – những cái tết kết nối tình cảm con người lại với nhau. Thông qua những nét đặc trưng ngày tết quê mình, tác giả khắc họa đậm nét vẻ đẹp truyền thống văn hóa, những giá trị làm nên hồn cốt con người và tạc nên dáng hình xứ sở.

    Và dường như là hữu ý, bút ký của Phan Trung Nghĩa cứ nhắc đi nhắc lại “cái nghèo” của ngày tết – cái nghèo vương vấn đeo bám con người.

    Khổ một nỗi, người dân quê chí thú làm ăn, quanh năm làm lụng vất vả chỉ mong đón một cái tết đủ đầy: “Những đêm ở mùa giáp tết, gió bấc về lạnh đến tái tê nhưng người quê tôi vẫn xuống sông dỡ chà để bán cá mà lo cái tết” (Biển rất gần).

    Vậy mà cho đến tết thì vẫn một chữ “nghèo”: “Mỗi độ xuân về tôi thường ngồi thừ ra mà nhớ đến cái tết của năm 1978. Đó là cái tết nghèo nhất mà tôi từng biết” (Tết ở quê tôi).

    Càng xót xa hơn khi: “Có những năm, tết nhất gần kề mà ruộng thất trắng, nông dân ra đồng với đôi mắt đỏ hoe để lục lạo trong đám nước mặn mà mót những bông lúa chắc” (Mùi làng).

    Nhưng may mắn thay, dẫu “Chiến tranh đã cướp mất những mùa vàng của làng tôi”, dẫu vùng đất đôi khi “trái tính trái nết” thì “cũng đầy hào phóng, cưu mang và ân nghĩa” đối với con người (Biển rất gần).

    Còn người dân quê thì vẫn đùm bọc nương tựa lẫn nhau, cùng nhau vượt qua mọi thách thức, trở ngại để tạo nên những nét riêng cho quê mình, bằng chứng là “Đến gần tết thì tát đìa, và chỉ còn cách là luân phiên đổi công chứ một gia đình không thể làm xuể. Lúc đầu cả chục thanh niên tát gàu sòng suốt ngày đêm mới cạn… Mùa tát đìa kéo dài từ cận tết cho đến hết tháng giêng” (Nghề đìa cá ở bán đảo Cà Mau).

    Tấm lòng ân cần, san sẻ của người dân quê còn dành đối đãi với “người dưng kẻ lạ”, thật đáng quý thay: “Nếp sinh hoạt mà nông dân Bạc Liêu đã có từ nhiều đời là hễ khách thương hồ từ miệt vườn xuống là chủ nhà lo ăn ngủ, đi kêu công gặt giúp…” (Tết ở quê tôi)…

    Hẳn không phải ngẫu nhiên mà nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa lại dành trọn tâm tư và hồi ức để nhắc nhớ những mùa tết như vậy trong hầu hết tác phẩm. Mỗi năm đều có tết, dẫu tết nay đã khác tết xưa, nhưng những hình ảnh làng quê ngày cũ dường như vẫn còn đó, khắc sâu những giá trị trường tồn mà chính người đi trước như ông vẫn hoài mong con cháu đời sau gắn công gìn giữ.

    Đọc tập bút ký, chợt lòng nghe xốn xang nhớ những cái tết nghèo năm cũ…

    HUỲNH THỊ CAM
    (Trường đại học An Giang, ĐHQG-HCM)

    Recommended For You