Thăm làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp

    Đến làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ Chăm cần mẫn dệt nên từng tấm thổ cẩm với đủ các loại hoa văn, màu sắc độc đáo, mới thấy hết được sự quý giá của thổ cẩm Chăm làng Mỹ Nghiệp.
    Các tổ hợp tác dệt thổ cẩm truyền thống thu hút hàng trăm chị em phụ nữ địa phương đang ngày đêm lao động sản xuất để kịp cho ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ du khách gần xa.

    Sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở làng Chăm Mỹ Nghiệp có sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ bởi hoa văn sắc sảo, độc đáo, mà còn là sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, chủng loại. Bên cạnh những hoa văn cổ thể hiện sự quý phái, sang trọng như “Văn thần đèn”, “Siva”, “Rồng trời” hay “Văn cổ”, thì ngày nay người làng Mỹ Nghiệp còn biết sáng tạo nên những hoa văn mới lạ như “Văn con voi” của người Tây Nguyên, hay “Văn hoa mai” của người Kinh, đồng thời kết hợp các chất liệu mới như sợi tổng hợp, sợi kim tuyến làm “Văn cầu vồng” đủ các sắc màu của đất trời, thật ấn tượng.

    Bà Vạn Thị Cư (67 tuổi), một phụ nữ Chăm dệt thổ cẩm lâu năm ở làng cơ sở dệt thổ cẩm Chăm có tên Kim Thoa (thị trấn Phước Dân) cho hay, nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp có từ rất lâu đời. Vào thế kỷ 17, thấy vùng đất này thích hợp với nghề dệt, bà Pơnaga đã truyền lại nghề cho ông Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng đang sinh sống ở làng Chaleng thời xưa (tức làng Mỹ Nghiệp ngày nay).

    Bà Cư trở thành một trong những nghệ nhân đầu tiên tạo ra nghề dệt thổ cẩm và sáng tạo ra những hoa văn đặc sắc trên nền vải. Bên cạnh đó, người Chăm sống theo chế độ mẫu hệ, do đó theo phong tục, con gái Chăm ngoài việc học hành và làm những công việc xã hội, còn bắt buộc phải ở bên cạnh người mẹ, để học dệt theo cung cách cổ truyền. Ngày nay, thổ cẩm Chăm vẫn được dệt bằng phương pháp thủ công, bên cạnh đó là việc tìm tòi, nghiên cứu, cách điệu các hoa văn truyền thống: thay vì như trước đây, chỉ có khoảng 36 loại hoa văn thì nay đã có trên 50 loại hoa văn khác nhau.

    Bà Thuận Thị Trụ (70 tuổi, trú tại thị trấn Phước Dân) là người đã có công sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm đang có nguy cơ thất truyền và đã cách điệu ra thêm khoảng 50 hoa văn khác. Năm 2000, “Công ty dệt may thổ cẩm Inrahani” do bà thành lập là công ty thổ cẩm đầu tiên ở Việt Nam chuyên chế tác hàng thô thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống như: váy áo, túi xách, ví, thắt lưng, khăn trải bàn… góp phần đưa thổ cẩm Chăm đến với cộng đồng và các nước trên thế giới.

    Khu trưng bày sản phẩm thổ cẩm.

    Đến nay, công ty đã sở hữu hơn 300 mặt hàng thổ cẩm như: ví, túi, balô, quần áo, drap phù hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi. từ sản phẩm thô, bà chế tác các mẫu mã mới – gần 200 mẫu mã các loại – phục vụ nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước, thổ cẩm chăm nhờ vậy đã phát triển mạnh mẽ.

    Thổ cẩm của người chăm dày, hoa văn rực rỡ thiên về các màu sắc tương phản nhưng sự phối màu lại rất hài hòa, tinh tế. hoa văn họa tiết mang những nét đặc trưng riêng về bố cục, màu sắc, lối trang trí phong phú, đa dạng nhưng vẫn thể hiện được sự thống nhất cao về tính hình học và cách điệu hóa. các hoa văn này phản ánh thế giới quan của người chăm về vũ trụ và thiên nhiên. đó là những hoa văn về hiện tượng tự nhiên, mặt trời, cỏ cây, hoa lá, núi non, sông nước, các loại động vật và những biểu tượng khác…

    Dệt thổ cẩm.

    Ngày nay, thổ cẩm của người chăm không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước mà còn được người dân quốc tế biết đến tại các hội chợ triển lãm lớn tại thụy sĩ, pháp, bỉ, nhật, singapore, malaysia…

    BÀI VÀ ẢNH: TIÊN SA

    Recommended For You