TP.HCM: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

    Với nhiều chính sách và cơ chế hỗ trợ cho chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi vay đến 100% (Quyết định 655/2018/QĐ-UBND) trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

    Bên cạnh chính sách hỗ trợ lãi vay, TP.HCM đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp, như Trung tâm công nghệ sinh học (diện tích: 23 ha), Trại thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF) với 200 con, Khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 88 ha. Đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ (89,7 ha) và dự án mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu thêm 23,3 ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.

    Hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư trong Khu nông nghiệp công nghệ cao hưởng chính sách lãi vay của thành phố, cung cấp cho thị trường các sản phẩm và dịch vụ 106.221 kg hạt giống bầu bí, 453 kg hạt giống ớt, khổ qua, cà tím, 1.422.000 hạt giống dưa lưới; nấm các loại: 730.000 bịch phôi, 22.110 túi giống, 43.700 kg nấm ăn và nấm linh chi… Nhiều doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn vay có ưu đãi để đầu tư, nghiên cứu sản xuất giống, hoa kiểng, vật liệu phục vụ nông nghiệp đô thị. Các hợp tác xã đã mở rộng khu sản xuất, nhà máy sơ chế đóng gói, trong đó có nhà máy chế biến sữa tươi của Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi).

    T. DUY

    Recommended For You