TP.HCM: Tập trung phát triển các giống hoa, cây kiểng có giá trị kinh tế cao

    Để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, TP.HCM luôn có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong đó, có chú trọng phát triển đa dạng chủng loại, các giống hoa, cây kiểng mới hiệu quả cao, phù hợp điều kiện sản xuất, thị hiếu tiêu dùng và thị trường tiêu thụ Thành phố.

    Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 ước đạt 2.510 ha, vượt 12% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (2.250 ha). Giá trị sản xuất hoa kiểng bình quân ước đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, đạt 100% mục tiêu kế hoạch đề ra. Diện tích hoa, cây kiểng 2.000 ha (xấp xỉ cùng kỳ). Trong đó, mai 680 ha (xấp xỉ cùng kỳ), lan 380 ha (tăng 1,3% so cùng kỳ), hoa nền 350 ha (giảm 3% so cùng kỳ), kiểng – bonsai 590 ha (tăng 1,7% so với cùng kỳ).

    Đến nay trên địa bàn Thành phố có 10 hợp tác xã và 41 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hoa kiểng. Và có 66% hộ trồng hoa lan quy mô từ 5.000 m2 trở lên ứng dụng cơ giới hóa như hệ thống tưới phun tiết kiệm nước ứng dụng cơ giới. Nhiều mô hình trồng hoa, cây kiểng có giá trị kinh tế cao đã được hỗ trợ lãi suất vay theo Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố, điển hình là các mô hình trồng hoa lan trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn.

    Về công tác lai tạo giống mới, Thành phố đã triển khai đánh giá và chọn lọc 20 dòng lan lai thể hiện ưu thế lai cao về một số tính trạng như chiều dài cành hoa, số cành hoa, số hoa… vượt trội so với bố mẹ và giống đối chứng đang được trồng phổ biến trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, đã xây dựng thành công 15 quy trình nhân giống in vitro bao gồm 3 quy trình nhân giống lan Dendrobium; 5 quy trình nhân giống lan rừng; 1 quy trình nhân giống lan Hồ Điệp; 3 quy trình nhân giống kiểng lá; 4 quy trình nhân giống hoa nền, vượt 50% so với chỉ tiêu kế hoạch.

    Trồng lan ứng dụng công nghệ cao tại Củ Chi .

    Với những kết quả đã đạt được, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đề ra mục tiêu phát triển diện tích sản xuất hoa, cây kiểng đến năm 2025 đạt 2.800 ha. Tiếp tục sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, đạt năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Thành phố và các tỉnh lân cận. Đồng thời, tuyển chọn và đưa vào sản xuất từ 3 – 5 giống hoa, kiểng lá mới có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện sản xuất và khí hậu khu vực phía Nam từ nguồn sưu tập, nhập nội. Triển khai lai tạo và đăng ký bảo hộ 5 – 7 dòng lan lai, tập trung khai thác nguồn gen bản địa. Đăng ký tiến bộ kỹ thuật cho 1 – 2 quy trình kỹ thuật sản xuất hoa, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao.

    Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố đã đề ra một số giải pháp như: Về quy hoạch vùng sản xuất gắn với quy hoạch bố trí nhóm sản phẩm chủ lực, đảm bảo duy trì diện tích sản xuất hoa, cây kiểng đến năm 2025 là 2.800 ha, xây dựng vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong đó tập trung vào các huyện Củ Chi và Bình Chánh. Đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi phục vụ sản xuất, vận chuyển, kinh doanh.

    Đồng thời, phát triển đa dạng chủng loại, tập trung các giống hoa, cây kiểng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất, thị hiếu tiêu dùng và thị trường tiêu thụ Thành phố; trong đó chú trọng các giống lan, hoa nền, mai và cây kiểng, bon sai. Hỗ trợ, chuyển giao các giống hoa, cây kiểng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất của Thành phố. Xây dựng và hướng dẫn người sản xuất các quy trình trồng và chăm sóc phù hợp với từng giống hoa, cây kiểng.

    AN CHI

    Recommended For You