Trồng ‘rau khí canh trụ đứng’ tiện lợi cho nhà phố

    Phương pháp canh tác nông nghiệp không đất ngày càng là xu hướng của nền nông nghiệp xanh trong lòng thành phố. Các loại hình canh tác không đất phổ biến hiện có như thủy canh, khí canh… Trồng rau khí canh trụ đứng là phương pháp trồng rau sạch theo công nghệhiện đại, có ưu điểm là không chiếm nhiều diện tích và dễ chăm sóc.

    Về mặt kỹ thuật, thủy canh thực chất là kỹ thuật trồng cây không dùng đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng không phải là đất, chẳng hạn như dung dịch hoặc giá thể (có thể là cát, trấu, vỏ xơ dừa, than bùn…).

    Khí canh có nhiều mô hình khác nhau, trong đó khí canh trụ đứng là một mô hình khá phổ biến được sử dụng nhiều ở nhà phố.

    Khí canh trụ đứng có nhiều ưu điểm hơn so với các loại hình sàn ngang truyền thống như diện tích trồng được nhân lên nhiều lần (8 – 10 lần) do tăng theo chiều thẳng đứng, phân tầng, nhờ vậy năng suất cũng tăng cao. Ngoài ra, phương pháp này cũng dễ dàng trong việc phân phối dung dịch dinh dưỡng cũng như thu hồi, việc chăm sóc và thu hoạch đơn giản hơn.

    Đối với nơi có diện tích nhỏ như ở các gia đình đô thị, thiết bị có thể đặt tại lan can, ban công, sân thượng… nên áp dụng loại khí canh trụ đơn. Nếu quy mô hộ gia đình thì từ vài chục đến 200 m2, có thể áp dụng che lưới giảm cường độ ánh sáng và chăm sóc thường xuyên để tránh sâu bệnh. Đồng thời, phía trên nhà lưới được che bằng nylon để ngăn mưa, giảm nắng. Các mặt bên được che bằng lưới màn để tránh côn trùng, nấm bệnh xâm nhập.

    Có thể sử dụng các loại hạt giống là những loại rau ăn lá như xà lách, rau diếp, các loại cải, tần ô… có chất lượng tốt trên thị trường. Hạt giống được gieo bên trong mút, số lượng hạt tùy theo giống cây (xà lách: 2 – 3 hạt, cải các loại: 2 – 3 hạt, rau muống: 5 – 6 hạt…). Tưới phun sương mỗi ngày hai lần sáng và chiều cho đến khi hạt nảy mầm.

    Trong giai đoạn 0 – 30 ngày sau trồng, cần quan sát và chăm sóc thường xuyên vì đây là giai đoạn sâu bệnh bắt đầu tấn công. Khi phát hiện cần tiêu hủy bộ phận bị sâu bệnh (đem ra khỏi nhà lưới). Sau đó, tiến hành cắt tỉa những cây ốm yếu, sinh trưởng kém để tập trung không gian sống cho cây khỏe mạnh. Mỗi rọ chừa lại số cây thích hợp tùy vào từng giống (cải 1 – 2 cây, xà lách 2 cây, rau muống 5 cây).

    Đến giai đoạn 30 – 35 ngày sau trồng, lúc này cây đã phát triển đạt gần kích thước tối đa, do đó nên giảm nồng độ dung dịch để giảm dư lượng phân bón cho sản phẩm. Mặt khác tiết kiệm chi phí, khoảng 5 – 7 ngày trước khi thu hoạch có thể chỉ thêm nước mà không cần thêm phân vào dung dịch thủy canh.

    T.H

    Recommended For You