Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp TP.HCM

    Xây dựng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng là mục tiêu Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đặt ra trong thời gian tới. Ðây cũng là tiền đề để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị mà TP.HCM đang hướng đến.

    Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, một số HTX nông nghiệp đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển và có xu hướng chuyển dần từ hình thức chỉ tổ chức sản xuất hoặc chỉ tiêu thụ sản phẩm sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi này phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, phù hợp tính chất đặc thù của nông nghiệp đô thị TP.HCM.

    Cùng với đó, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao nhận thức của hộ nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đưa hộ nông dân trở thành đối tượng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc…

    Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp một số khó khăn như, chưa thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia; chưa tiếp cận được vay vốn tín chấp theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NÐ-CP ngày 7/9/2018 về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức sản xuất các HTX; phần nhiều các HTX hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết hợp tác với nhau, thậm chí có tình trạng cạnh tranh nhau, không thể phối hợp để cùng cung ứng những đơn hàng lớn theo yêu cầu của các doanh nghiệp; trụ sở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế…

    Nguyên nhân chính do trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng, hạn chế trong việc đưa ra chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, hệ thống pháp luật còn chồng chéo và chưa tạo được động lực để thúc đẩy các HTX nông nghiệp kiểu mới phát triển…

    Ðể đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể cả chiều rộng và chiều sâu, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc phê duyệt đề án phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố, như rau, hoa kiểng, heo, tôm nước lợ, cá cảnh… theo hình thức HTX liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra (mỗi năm xây dựng từ 6 – 10 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp, siêu thị). Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới là Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

    ÁI LOAN

    Recommended For You