Việc thiếu nguồn thức ăn xanh trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP.HCM trở thành vấn đề nan giải mà người chăn nuôi gặp phải. Đây là một trong những nguyên nhân lớn cản trở việc mở rộng quy mô đàn và khiến chất lượng bò sữa không đảm bảo. Do đó, cần có những giải pháp kịp thời để tăng số lượng, chất lượng thức ăn xanh cho bò sữa.
Theo người chăn nuôi bò sữa, sản xuất thức ăn thô xanh chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa, chiếm tới 70% sản lượng cả năm, chủ yếu là cỏ voi. Số lượng này chỉ được tạm coi là đủ về lượng, còn chất vẫn chưa đảm bảo.
Theo kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng của cỏ voi, chất lượng rất kém, hàm lượng protein thô 5 – 8%, tỷ lệ sử dụng rất thấp 40 – 60%, tỷ lệ thân chiếm 70% tổng số.
Tính theo năng suất chất xanh, nếu cỏ voi là 100 tấn, thì gia súc chỉ sử dụng được 40 – 60 tấn.
Thực tế trong chăn nuôi bò sữa, các hộ chăn nuôi đều cho rằng: Thức ăn thô xanh thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Tăng sản lượng thức ăn xanh cho bò sữa bằng cách tăng diện tích đất trồng cỏ, vận động những người dân ở một số huyện ngoại thành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ cho bò sữa.
Đồng thời, có thể thâm canh tăng năng suất qua việc đầu tư phân bón, trồng đúng kỹ thuật, đầu tư hệ thống tưới và sử dụng một số giống có năng suất cao.
Ngoài ra, có thể tận thu phụ phẩm nông nghiệp từ các loại rơm, cỏ tự nhiên, thân cây bắp, đậu phộng… Thực hiện các biện pháp chế biến, tạo thức ăn khô dự trữ.
Đặc biệt, phải chú ý cải tiến chất lượng thức ăn thô xanh. Đối với cỏ voi, khi thu hoạch vào thời điểm 40 – 45 ngày tuổi, chất lượng thức ăn rất thấp, tỷ lệ sử dụng 40 – 60%. Bởi vậy, để cải thiện chất lượng, người dân phải thu hoạch khi cây còn non khoảng từ 30 – 35 ngày. Tuy nhiên, việc thu hoạch non phải chú ý đến khả năng tái sinh và năng suất của cỏ.
Đối với loại cỏ lông para, loại này rất thích hợp trồng trên ruộng lúa hoặc những khu đất ngập nước. Đây là loại cỏ lâu năm, chịu úng tốt nhưng không có khả năng chịu hạn, mỗi năm cắt từ 6 – 8 lần với sản lượng có thể lên tới 100 tấn/ha/năm. Loại cỏ này có giá trị dinh dưỡng khá cao, protein thô khoảng 12 – 16% sinh khối khô.
Do có hàm lượng nước cao nên cỏ lông para có thể lẫn ấu trùng của các loài ký sinh trùng, bởi vậy cần phơi nắng để giảm hàm lượng nước và tiêu diệt ấu trùng.
Đối với cỏ hỗn hợp Úc, loại cỏ này nếu trồng đúng thời vụ và sử dụng hệ thống tưới, thâm canh sẽ cho năng suất cao, chất lượng thức ăn rất tốt (14 – 16% protein thô), tỷ lệ sử dụng lên tới hơn 90%.
Bên cạnh đó, thành phố cần có quy hoạch phân phối đất nông nghiệp cho bò sữa, hình thành vùng chuyên canh chuyên môn hóa trồng cỏ. Tập trung trồng thêm các giống cỏ có năng suất cao và chất lượng tốt vào sản xuất.