Bệnh cúm mùa đang gia tăng ở trẻ nhỏ

Từ những triệu chứng điển hình ban đầu của cúm (sốt, viêm đường hô hấp trên, đau mỏi người…), nhiều trẻ nhỏ đã chuyển biến nhanh sang các biến chứng nặng như: Viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, tổn thương đa cơ quan.

Từ tháng 10/2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Hà Nội đã khám và điều trị tổng số hơn 1.500 ca mắc cúm. Trong đó, số ca có biến chứng và phải điều trị nội trú là hơn 200 ca.

Thời gian qua, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh Viện Nhi Hà Nội tiếp nhận một số ca mắc cúm có biến chứng viêm não. Hiện tại, khoa cũng đang điều trị một ca bệnh nhi 12 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, trẻ mắc cúm có biến chứng viêm não. Sau thời gian điều trị và theo dõi sát sao của các y bác sĩ, trẻ đã đáp ứng tốt, bệnh tình của trẻ đã dần cải thiện và ổn định.

Theo TS. BS Đỗ Thị Thuý Nga – Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Hà Nội, Trưởng khoa Truyền nhiễm: Thời gian một tháng trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận số ca mắc cúm có xu hướng tăng lên theo từng tuần. Tuy nhiên, số liệu này chưa thể hiện sự gia tăng bất thường của cúm so với các năm trước, mà số tăng theo chu kỳ mùa hàng năm. Thường các ca cúm sẽ gia tăng đặc biệt vào mùa đông xuân. Khi thời tiết miền Bắc giao mùa, không chỉ gia tăng bệnh cúm, mà còn gia tăng các bệnh lý khác về đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Cũng theo TS. BS Đỗ Thị Thuý Nga, khi trẻ mắc cúm ở thể nhẹ, hầu hết trẻ có thể hồi phục sau 2- 5 ngày. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc có bệnh nền thì bệnh cúm có thể chuyển biến nhanh sang các biến chứng nặng: Viêm phổi, suy hô hấp, viêm não, tổn thương đa cơ quan…

Bệnh cúm mùa đang gia tăng ở trẻ nhỏ- Ảnh 2.
Bác sĩ bệnh viện Nhi Hà Nội thăm khám sức khỏe cho trẻ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Vì vậy, bố mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các triệu chứng mắc bệnh để được chẩn đoán và tư vấn điều trị thích hợp. Ngoài ra, với những trẻ mắc cúm điều trị tại nhà, gia đình cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để kịp thời phát hiện các biến chứng và đưa trẻ tới cơ sơ y tế gần nhất để điều trị.

Bên cạnh đó cần tiêm vaccine phòng cúm. Đây là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả. Với trẻ nhỏ, người già hoặc người có bệnh nền… nên tiêm phòng cúm hàng năm. Đồng thời cần tăng đề kháng cho trẻ thông qua dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.

Thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, kiểm soát sự lây truyền của virus cúm: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch; hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh, đeo khẩu trang khi cần thiết; không dùng chung đồ ăn, vật dụng cá nhân.

Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến cúm, hãy đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa (Truyền nhiễm, Hô hấp) thăm khám và điều trị kịp thời.

Thiện Tâm

  • Hình bìa: Thời tiết chuyển mùa khiến nhiều trẻ nhỏ mắc cúm, cha mẹ cần tăng sức đề kháng và chủ động tiêm vaccine ngừa cúm cho trẻ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Recommended For You

Để lại một bình luận