Bí mật của nỗi đau

Tôi có một cái răng đau. Có lẽ nó đã đau từ rất lâu khiến cho mỗi lần bấm huyệt là tôi lại thấy những điểm rất đau trên mặt. Thế nhưng, những con đau thường âm ỉ và trong ngưỡng chịu đựng nên tôi không bao giờ để tâm, không nhận ra và vì thế cứ mặc kệ nó đấy.

Kêu than một thời gian không được chú ý tới, cái răng bắt đầu làm lớn. Nó đau dữ dội, khủng khiếp, mấy đêm liền không ngủ được. Tôi buộc phải lò dò đi khám.

Vào viện chụp chiếu các loại vẫn không phát hiện ra là bị làm sao, bác sĩ dẫn tôi đến chị Lan, một bác sĩ rất giỏi của Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt. Sau một hồi xem kĩ tất cả các loại phim ảnh, CT, thăm khám, bác sĩ Lan kết luận là tôi có vấn đề ở răng số 6, phải điều trị tủy. Quả nhiên, khi tủy được điều trị, cái răng trở nên lặng yên, thôi không còn đau nữa. Tất cả những điểm đau trên khuôn mặt biến mất, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.

Trong cuộc sống, không ai trong chúng ta tránh khỏi các nỗi đau. Nỗi đau do tổn thương trên cơ thể dễ nhận diện và ứng phó. Nhưng, đau do tổn thương về tình cảm thường âm thầm, dai dẳng, khó nhận biết, khó điều trị dứt.

Đau do tổn thương trên cơ thể thì có thể nhờ đến bác sĩ và có thể được giảm nhẹ bằng thuốc giảm đau. Nhưng, đau do tổn thương tình cảm thì không dễ gì chia sẻ và vì thế cũng khó để giảm nhẹ. Nhưng, dù đau dưới hình thức nào thì các nỗi đau đều giống nhau: Nó là cách để cơ thể chúng ta cất lên tiếng nói.

Tôi nhớ có một lần đưa thầy Trần Đình Sử tới khám tim mạch ở phòng khám của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Anh hỏi rất kĩ về cảm giác của thầy khi đau và lắng nghe rất chăm chú, ghi chép cẩn thận. Anh nói: Cơ thể rất thông minh, cơn đau có thể nói với chúng ta nhiều hơn những gì mà máy móc có thể cung cấp.

Tôi ghi nhớ điều này và suốt những đêm không thể ngủ vì cái răng đau hành hạ, tôi đã im lặng lắng nghe cơn đau của mình. Khi bác sĩ không tìm thấy chứng cứ về tổn thương răng trên các loại phim ảnh và nghi là do đau dây thần kinh số 5, tôi đã miêu tả lại kĩ càng cảm giác đau của mình: bắt đầu từ răng số 6, 7 ở hàm trên, rồi lan sang các nhánh của dây thần kinh số 5, đau từng cơn khi nằm xuống và thậm chí tôi còn dám chắc là cơn đau chắc chắn khởi phát từ đâu đó trong tủy, phần gần cuống răng. Bác sĩ đã phải thận trọng dẫn tôi tiếp tục chụp chiếu và xin ý kiến của một bác sĩ giỏi hơn.

Quả nhiên, cơn đau đã rất trung thực, bác sĩ tìm ra một chiếc răng bị viêm tủy và xử lý, rất đúng với vị trí mà tôi cảm thấy. Tôi nhớ trước đó, cơ thể đã lên tiếng bằng những đốm đau đâu đó trên mặt, vùng quanh xương hàm, dưới mắt và khu vực cằm, nhưng vì quá bận rộn và coi thường nó, tôi đã không chịu lắng nghe.

Giá mà biết lắng nghe, tôi đã không tiếp tục mắc sai lầm và phải trả giá bằng những cơn đau khủng khiếp mất ăn mất ngủ.

Những đau đớn về tình cảm cũng là cách để cơ thể chúng ta gióng lên tiếng chuông cảnh báo, rằng ta đã sống sai rồi. Khi sống trong một mối quan hệ chỉ gây cho bạn tổn thương, làm một công việc mà mỗi khi nghĩ đến bạn lại thấy sợ hãi, trải nghiệm những sự kiện mà mỗi lần nhớ lại bạn lại thấy mình đau nhói thì đó chính là lúc bạn cần dừng lại để lắng nghe cơ thể của mình, truy tìm căn nguyên thực sự của nỗi đau và giải phẫu nó. Chỉ khi nào nỗi đau được nhận diện, được lắng nghe, được phơi bày ra ánh sáng, nó mới có thể được trị liệu và hàn gắn.

Tuy nhiên, có một thứ ngăn trở chúng ta nhìn sâu vào nỗi đau của mình, đó là nỗi sợ. Tôi sợ khám răng và sợ hơn nữa là những can thiệp sau khi tìm ra cái răng đau. Vì thế mà tôi đã trì hoãn và lảng tránh việc tìm ra nguyên nhân thực sự của cơn đau để điều trị nó tận gốc.

Phần lớn chúng ta đều sợ đối diện với nỗi đau của mình, bởi vì bản chất của nỗi đau là nó làm chúng ta tổn thương và đau đớn. Chúng ta tránh nhìn vào sự thật là chúng ta đang đau, tránh chia sẻ với người khác về nỗi đau của mình vì sợ người khác đánh giá hay thương hại, chúng ta phủ lấp lên nỗi đau của mình bằng sự thờ ơ, lạnh lùng, dửng dưng hoặc cố gắng tỏ ra hạnh phúc. Nhưng, nỗi đau vẫn còn đó, như một cái răng sâu bị cố tình lờ đi, như một vết thương bị vùi sâu vào trong da thịt và đến một lúc mọi thứ trở nên không chịu được, ta buộc phải phẫu thuật, loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mình. Khi nỗi đau chấm dứt, một hành trình mới bắt đầu.

Tôi thường nhìn nhận mọi nỗi đau, kể cả về thể xác lẫn tinh thần là một cơ hội để mình lắng nghe bản thân, kết nối với cơ thể và nhận ra một sự thật nào đó của đời sống.

Khi thừa nhận nỗi đau như một tất yếu của nhân loại và nhìn nhận nó một cách tích cực, tôi đã bước qua ranh giới của nỗi sợ hãi, để nhìn sâu vào nó, cảm nhận nó và cố gắng hiểu thông điệp mà cơ thể muốn gửi tới tôi, cũng như những bài học mà cuộc sống muốn dạy cho tôi.

Tôi vẫn đau, như bất cứ người nào khác, nhưng cùng lúc với cảm giác đau, tôi có hứng thú của một người quan sát và suy ngẫm, học hỏi. Tôi cũng quan sát cách mà cơ thể của mình đối diện với nỗi đau, vượt qua nỗi đau, để nhận ra sức mạnh bên trong của mình.

Nếu không từng đối mặt với nỗi đau đớn, ta không bao giờ biết ta mạnh mẽ và can đảm chừng nào. Nỗi đau cũng làm cho tôi thấu hiểu hơn về cơ thể của tôi, là cơ hội để tôi học hỏi về sự vận hành của các dây thần kinh thầm lặng bên trong cơ thể, vai trò của cái dạ dày, hay ảnh hưởng to lớn của một cái răng. Nó cho tôi biết đằng sau sự sống của tôi là một cỗ máy kì diệu và lặng thầm của tạo hóa.

Tôi cũng nhận thấy mình thường trưởng thành về nhận thức sau mỗi lần bị tổn thương và cuộc sống của mình bước sang một trang mới sau khi một nỗi đau nào đó được nhận diện và giải phẫu. Bạn bè xung quanh tôi, có rất nhiều người mà cuộc đời họ đã trở nên ý nghĩa hơn sau khi mắc một chứng bệnh nan y hay trải qua một thương tổn nào đó về tình cảm. Từ chỗ là một con rối bị giật dây bởi đám đông, mê mải chạy theo những gì mà xã hội thêu dệt nên, họ bỗng chốc nhận ra giới hạn của mình và hiểu rõ sự tồn tại của mình với tư cách là một cá thể, họ bắt đầu lắng lại để lựa chọn một lối riêng cho mình, mà phần lớn là nhân ái với bản thân và lương thiện với người khác.

Nỗi đau làm chúng ta dừng lại, sống sâu sắc hơn với cuộc đời của mình, dám từ bỏ và dũng cảm lựa chọn những thứ thực sự có giá trị và phù hợp với bản thân.

Tôi cũng nhận thấy nhờ có một cơ thể biết đau và một bản tính nhạy cảm và dễ bị tổn thương, mà tôi trở nên nhân từ hơn với mọi người và mọi vật xung quanh mình. Tôi không nỡ làm tổn thương, dù là một con vật nhỏ bé, vì cảm thấy nỗi đau của nó.

Tôi luôn áy náy nếu làm gì đó gây tổn hại cho người khác, vì tôi biết nếu tôi là người đó, tôi sẽ cảm thấy đau đớn ra sao.

Một trong những nguyên tắc đạo đức mà tôi tự đặt ra cho mình là không gây tổn thương, và vì thế, trước khi làm bất cứ việc gì, tôi thường tự đặt câu hỏi: Việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người khác, liệu có ai bị tổn hại vì việc làm của mình hay không.

Sự không nỡ, có lẽ, đã khiến cho tôi thà chịu thiệt thòi và thậm chí đôi lúc bị coi là cả tin, ngốc nghếch để sống một cách tử tế, còn hơn là làm những điều trái với lương tâm của mình.

Nỗi đau, có lẽ là một quà tặng mà tạo hóa ban cho mỗi chúng ta. Nó không phải là kẻ thù, mà là vệ sĩ để bảo vệ ta khỏi những mối hiểm nguy tiềm ẩn mà lý trí của ta đôi khi không thể nhận thấy. Và, khi hiểu ra sự thật này, tôi trở nên nhẹ nhõm hơn, bao dung hơn trước những biến cố gây tổn thương mà cuộc sống đã mang tới cho mình, nhờ đó có thể điềm tĩnh hơn khi đối diện với mọi việc.

Hãy tưởng tượng bạn đứng trước mặt biển. Biển vốn không có bản chất lành hay dữ, không có ý đồ tốt hay xấu. Những làn sóng cứ không ngừng xô tới. Đôi lúc bạn sẽ vui mừng khi mình chinh phục được một cơn sóng lớn, vượt qua nó. Đôi lúc bạn sẽ bị nó xô ngã, uống vài ngụm nước hoặc ho sặc sụa. Không may, bạn sẽ bị nó nhấn chìm và trải nghiệm cảm giác đau đớn và sợ hãi. Cuộc sống có lẽ cũng như vậy, ta không bao giờ tránh khỏi các sóng gió, không bao giờ tránh khỏi những tổn thương. Cơn sóng này vừa qua, cơn sóng sau lại ập tới không báo trước. Nhưng, chính trong lúc đối diện với sóng, bạn sẽ hiểu bản chất của biển cũng như tìm ra sức mạnh của mình.

TS. văn học Nguyễn Thị Ngọc Minh

Nguồn: Báo Công An Nhân Dân

Recommended For You

Để lại một bình luận