Bí quyết ngâm chanh đào ngon

Chanh đào thường cho thu hoạch tháng 8, 9 trong năm. Mật ong cùng với chanh đào từ lâu đã là bài thuốc quý được lưu truyền trong dân gian do tính hiệu quả của nó đối với các bệnh về hô hấp. Chanh đào hay chanh thường đều có thể dùng để ngâm với mật ong hay đường phèn có tác dụng chữa trị ho, viêm họng, nhất là khi thời tiết chuyển từ mùa hạ qua mùa thu.

Theo các nhà dinh dưỡng, dịch trái chanh chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, kháng viêm, tiêu độc…

Ngoài ra, ruột trái chanh chứa hàm lượng đáng kể acid citric (khoảng 8% khối lượng khô) nên rất có tác dụng phòng trị ho, khàn tiếng. Tuy nhiên, đối với những người đã bị ho nặng, ho do nhiễm vi trùng, vi khuẩn dùng riêng chanh cũng không hiệu quả mà cần phải đi khám bệnh và điều trị.

Nếu chọn mua chanh đào để ngâm mật ong, làm thuốc chữa các bệnh về hô hấp nên chọn những trái chanh tươi, già, vỏ căng mịn, khi cắt ra thấy ruột đỏ hồng đào, kích cỡ khoảng 20 trái/kg. Chú ý, không nên chọn những trái chanh quá to, vì chanh thường quý nhất ở tinh dầu trong vỏ và hạt chanh để chữa các bệnh về hô hấp.

Nguyên liệu để ngâm chanh đào với mật ong

Gồm 1 kg chanh đào (chọn trái hơi già, vỏ chanh bóng, ruột hồng, lựa những trái tươi, chín vàng, mỏng vỏ); 1 lít mật ong rừng; 0,5 kg đường phèn, một nhánh gừng tươi, bình thủy tinh, vỉ nén chanh bằng nan tre.

Cách ngâm chanh đào mật ong

Bước 1: chanh rửa sạch, pha một ít muối với nước sôi để nguội, ngâm 30 phút rồi vớt chanh ra để thật khô ráo. Lưu ý là lúc làm, tay, thớt, dao phải thật khô, không dính nước lã. Cắt chanh thành những miếng mỏng, ngâm cả hạt mới tốt.

Bước 2: đường phèn đập nhỏ, đổ một lớp đường vào hũ, đến một lớp chanh, một lớp đường, một lớp chanh và gừng tươi xắt mỏng. Cứ thế cho đến khi hết chanh. Trừ những cục đường to để cho lên trên cùng.

Bước 3: cuối cùng đổ mật ong vào, lấy vỉ nan nén chanh xuống, đậy kín nắp, để khoảng 3 tháng sẽ dùng được.

Lưu ý: thời gian đầu mới ngâm nên kiểm tra hũ thường xuyên, nếu sau vài ngày thấy sủi bọt thì hớt đi. Không để chanh nổi lên khỏi vỉ vì sẽ dễ bị mốc, nổi váng. Nên ngâm chanh càng lâu càng tốt, mới đầu chanh còn tươi thì ăn hơi đắng, nhưng sau một thời gian dài, chanh đào ăn như ô mai, vừa tốt cho vòm họng, vừa tăng cường sức khỏe.

Yêu cầu thành phẩm

Hỗn hợp ngâm chanh đào mật ong sánh nhẹ, có màu vàng trong, không nổi bọt; có vị thơm của gừng, mật ong, vị chua dịu, không bị đắng. Sau khi ngâm để ở nhiệt độ bình thường, đến lúc đường tan hết, miếng chanh chìm hẳn không nổi nữa thì có thể cất ở tủ lạnh, dùng dần (dùng tốt nhất trong mùa thu – đông – xuân), không nên để lâu.

Sau khi chanh đã ngấm mật ong, đường phèn tan hết, có thể giữ nguyên hũ để dùng cho người lớn. Nếu muốn dùng cho trẻ nhỏ, bạn có thể vớt chanh ra (không lấy gừng), ép lọc hạt qua rây, sau đó cho vào máy xay nghiền nhuyễn phần chanh, rồi trộn đều với phần dung dịch đã thu được thành một hỗn hợp sánh.

“Chanh đào mật ong có thể sử dụng cho trẻ từ trên 1 tuổi để phòng hoặc chữa ho do nhiễm lạnh. Nếu để phòng, bạn có thể cho trẻ dùng mỗi sớm 1 – 2 muỗng cà phê đã hâm ấm. Khi trẻ bị ho do nhiễm lạnh, có thể dùng 3 – 4 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 – 2 muỗng ấm. Người lớn cũng có thể dùng hàng ngày nhiều lần hoặc khi bị ho với liều lượng khoảng 3 – 4 muỗng cà phê mỗi lần…”, DS. Mỹ Nữ cho hay.

TIÊN SA

Recommended For You