Ngày 14/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/2/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay và triển khai Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024.
Theo Ban tổ chức, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW và triển khai hiệu quả Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Đỗ Xuân Quý chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh đã báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/2/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương và thông tin một số nội dung cơ bản tại Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024.
Theo đó, ngay sau khi Kế hoạch số 156-KH/BTGTW được ban hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch trên, trong đó cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra theo Kế hoạch, tạo cơ sở để Bộ Tư pháp tăng cường công tác quản lý đối với cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội và trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội.
Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc Bộ, các đơn vị thuộc Bộ tăng cường công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; rà soát các nhiệm vụ được giao tại Chương trình để đưa vào chương trình, kế hoạch công tác năm của đơn vị.
Việc quán triệt thường xuyên, nghiêm túc các nội dung tại Chương trình hành động đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Trong công tác quản lý hoạt động báo chí, truyền thông, hàng năm Bộ Tư pháp đều ban hành Kế hoạch truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, tạo được hiệu ứng truyền thông, được dư luận đánh giá cao.
Ngoài ra, công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo cho đội ngũ quản lý và những người làm báo tại cơ quan báo chí; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo đều được quan tâm, chú trọng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được thông tin một số nội dung truyền thông trọng tâm của của Bộ, ngành Tư pháp trong năm 2024 như: Việc triển khai những nội dung mới, quan trọng của Luật Đất đai 2024 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; nội dung các chính sách, quy định mới, quan trọng của các dự án do Bộ Tư pháp chủ trì như Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại TP. Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.
Việc bổ sung các dự án luật sửa đổi, bổ sung và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 như Luật Thi hành án dân sự, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp; tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và việc nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành trên các lĩnh vực; các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Gia Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sự quan trọng, cần thiết của Kế hoạch số 156-KH/BTGTW trong chấn chỉnh hoạt động hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; đồng thời đề xuất một số biện pháp để thu hút người đọc, kịp thời định hướng, nắm bắt và phản hồi đối với những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với nội dung Báo cáo sơ kết và các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu; đồng thời đánh giá cao các kết quả của cơ quan báo chí, truyền thông; các đơn vị quản lý, vận hành Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, Trang thông tin vận hành trên nền tảng mạng xã hội của Bộ đã đạt được sau 01 năm thực hiện Chương trình hành động.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: Hoạt động báo chí, truyền thông, thông tin trên mạng xã hội là hoạt động đặc thù, nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội. Vì vậy, để tăng cường phát huy được vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thông tin kịp thời, đầy đủ về hoạt động của Bộ, ngành. Đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục tham mưu cho Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, Cổng Thông tin điện tử; quan tâm, tạo nguồn lực thực hiện nghiêm Kế hoạch số 156-KH/BTGTW và Chương trình hành động của Bộ.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, các đơn vị tham gia công tác truyền thông cần phát huy trách nhiệm của mình; tuân thủ, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; nâng cao và phát huy tính tự giác, gương mẫu, thực hiện tốt quy định về công tác báo chí, quy chế mạng xã hội. Các cơ quan báo chí thuộc Bộ cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực hơn trong tiếp cận thông tin để phản ánh kịp thời, sinh động, tận dụng mọi ưu thế của cơ quan báo chí thuộc Bộ để trở thành cơ quan truyền thông chủ lực trong truyền thông hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chủ trì xây dựng các dự án, dự thảo luật phải chủ động trong công tác truyền thông những chính sách nhằm tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; chủ động xây dựng nội dung truyền thông, cung cấp kịp thời cho cơ quan báo chí.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Lê Sơn
* Hình bìa: Bộ Tư pháp tăng cường công tác quản lý đối với cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, Cổng Thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội – Ảnh: VGP/LS