Trước đây hầu như chỉ có bông cải trắng, sau này thì có thêm bông cải xanh. Và xu hướng chuộng ăn bông cải xanh nhiều hơn. Nghe nói bông cải xanh rất tốt cho sức khỏe và bổ hơn nhiều so với bông cải trắng? Huỳnh Thiện Tâm (Quận 10, TP.HCM)
Bông cải (xanh và trắng) là các thực phẩm đang được khuyến khích dùng để phòng ngừa ung thư và nên dùng cho những người mắc bệnh Crohn (viêm đường ruột), kháng insulin, hội chứng ruột kích thích, hội chứng chuyển hóa, béo phì, viêm khớp dạng thấp, bệnh đái tháo đường type 2, viêm loét dạ dày và đại tràng.
Bông cải trắng (cauliflower, còn gọi là súp lơ trắng) từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới công nhận mang lại giá trị dinh dưỡng cao và rất có lợi cho sức khỏe.
Trong 100 g bông cải trắng chỉ cung cấp 26 calo, cung cấp 2 g chất xơ mỗi ngày vì vậy mà ăn nó sẽ không gây thừa cân. Chứa nhiều tinh dầu có lợi. Chất sulforaphan và một kháng sinh thực vật được gọi là indole-3-carbinol tác dụng ức chế một số tế bào ung thư như tuyến tiền liệt, vú, cổ tử cung, đại tràng và buồng trứng.
Hoạt chất di-indolyl-mê-tan (DIM) hòa tan trong lipid được tìm thấy nhiều trong chi Brassica (thuộc họ Cải) đã được chứng minh hoạt động rất hiệu quả trên hệ miễn dịch, tăng cường kháng viêm, chống vi trùng và vi khuẩn nhờ cơ chế tổng hợp thụ thể interferon-gamma. DIM đã và đang tiếp tục ứng dụng trong thử nghiệm lâm sàng điều trị chứng loạn sản cổ tử cung do Human Papilloma Virus (HPV) gây ra.
Cùng họ bông cải trắng, bông cải xanh (broccoli) cũng được xem như một thực phẩm tuyệt vời để nâng cao và cải thiện sức khỏe.
Dựa vào biểu đồ giá trị dinh dưỡng và so với bông cải trắng, thành phần dinh dưỡng của bông cải xanh đều cao hơn bông cải trắng, đặc biệt bông cải xanh lại có thêm calcium với hàm lượng khá cao.
Các lợi ích bông cải xanh cho sức khỏe cũng giống như bông cải trắng, tuy nhiên bông cải xanh có tác dụng mạnh hơn.
Chế độ ăn giàu bông cải xanh giúp tăng cường khả năng kháng viêm mạnh nhờ chất flavonol gọi là kaempferol. Đặc biệt trên hệ tiêu hóa kaempferol có khả năng làm giảm tác động của các chất gây dị ứng kháng nguyên kháng thể, nhờ vậy ngăn hiện tượng viêm nhiễm. Ngoài nguồn vitamin C là chất chống oxy hóa được kích hoạt thêm bởi sự hiệp đồng của các flavonoid gồm kaempferol và quercitin.
Ngoài ra, bông cải xanh còn chứa nhiều beta carotenoid như lutein, zeaxanthin và beta-caroten là những chất có tác động ngăn hiện tượng thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể… dễ gây mù ở những người lớn tuổi.
Bông cải xanh còn chứa vitamin E và các khoáng chất mangan và kẽm, giúp bảo vệ da và niêm mạc. Chế phẩm chiết từ bông cải xanh bôi trên da tác dụng như một lớp mỏng, làm ngăn chặn và phát tán các tia tử ngoại. Dịch chiết xuất này giúp hình thành khả năng sản xuất loại enzym giúp ngăn ngừa những thiệt hại do tia tử ngoại gây ra, đặc biệt ở những bệnh nhân dễ bị ung thư da.
Tác động của các chất chống oxy hóa trong bông cải xanh được ví như chiếc ghế 3 chân, sẽ kháng ung thư theo 3 cơ chế, một là chống oxy hóa tế bào, hai là giúp giảm viêm mạn tính, ba là tăng cường thải độc cho cơ thể.
Bông cải xanh còn làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư bàng quang và ung thư buồng trứng.
Theo một nghiên cứu của các khoa học gia Anh Quốc, ăn bông cải xanh mỗi tuần một lần sẽ giúp nam giới giảm 52% rủi ro bị ung thư tuyến tiền liệt. Nghiên cứu cho thấy bông cải xanh tốt hơn bất cứ loại rau quả nào khác trong việc bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tế bào ung thư vào tuyến tiền liệt.
Như bông cải trắng, bông cải xanh cũng giúp bảo vệ thành dạ dày, hệ tiêu hóa và phòng ngừa các bệnh tim mạch, hạ cholesterol máu.
Bông cải xanh không chứa vitamin D nhưng nó là một nguồn vitamin K và vitamin A (beta-caroten).
Nhiều người thiếu hụt vitamin D trầm trọng mà không thể khắc phục thông qua chế độ ăn uống vì vậy phải sử dụng một lượng lớn vitamin D bổ sung bằng dược phẩm, trong trường hợp đó nên ăn thêm bông cải xanh, chính nhờ vitamin K và vitamin A chứa trong bông cải sẽ giữ cho hàm lượng vitamin D trong cơ thể được cân bằng…