Trên thế giới có ít nhất 9 họ với trên 600 loài thực vật có các bộ phận biến đổi để có thể bắt mồi ăn thịt động vật, trong đó nhóm nắp ấm Nepenthes được coi là đặc hữu vùng Đông Nam Á, và Nepenthes annamensis là một trong các đại diện của Việt Nam.
BBC phát đi bản tin tìm thấy một loài cây ăn thịt mới trong vùng Đông Nam Á. Đó là Nepenthes attenboroughii thuộc nhóm cây nắp ấm, không chỉ ăn thịt côn trùng, sâu bọ nhỏ mà có thể cả các con chuột hay chim chóc một khi chúng chui vào trú ẩn trong bẫy là thứ lá cuốn tròn trên có nắp đậy. Loài mới này được tìm thấy ở độ cao 1.600 m trên núi Victoria xa xôi giữa đảo Palawan của Philippines.
Thực ra cây đã được phát hiện từ năm 2000 bởi hai giáo sĩ truyền đạo cho các thổ dân trong vùng núi non hiểm trở, và họ đi lạc 13 ngày trước khi được tìm thấy kiệt sức giữa một khe núi. Mãi đến năm 2007 một đoàn khảo sát người Anh mới lần theo dấu vết ghi trong nhật ký và tiếp cận, khảo sát vùng núi. Kết quả công trình nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay trên tờ Botanical Journal.
Vùng núi Victoria tập trung khá nhiều giống cây ăn thịt, gồm nhiều loài Gọng vó Drosera và hai loài Nắp ấm Nepenthes là N. philippinensis nơi cánh rừng thấp dưới chân và N. deaniana vốn đã mất dấu ở Madagascar hơn trăm năm trước nay lại xuất hiện nơi đây ở lưng chừng núi. Loài mới phát hiện chỉ mọc ở gần đỉnh cao và được đặt tên theo nhà thiên nhiên học David Attenborough.
Địa bàn sinh trưởng chính của nhóm nắp ấm, nay gồm 91 loài, là vùng Đông Nam Á cùng một số ở Úc, Papua New Guinea, Madagascar, Seychelles và Sri Lanka. Loài nắp ấm phổ biến nhất ở Việt Nam là N. annamensis mọc nhiều nơi vùng đất xấu nghèo chất dinh dưỡng từ Bắc chí Nam. Có lẽ nhu cầu bổ sung dưỡng chất dẫn đến việc tiến hóa các loài thực vật ăn thịt động vật để lấy phosphor và các chất đạm.
Mỗi một bẫy ấm hay bẫy chuông (pitfall trap) đều được tạo thành từ sự biến đổi của lá, bắt đầu bằng việc lún xuống ở nơi đầu cuống để các mép lá nhô cao thành hình cái chuông lật ngược tích trữ nước mưa, trên cùng là ngọn của lá tạo hình nắp ấm.
Mỗi loài nắp ấm tiết ra một mùi khác nhau thu hút đối tượng, và khi bẫy chuyển sang màu đỏ thì đủ trưởng thành để có thể bắt mồi.
Một khi các con mồi rơi vào giãy giụa giữa vũng nước mưa nằm dưới đáy chuông thì một loại dịch rất mạnh được cuống tiết ra giết chết và tiêu hóa chúng.
Trên thế giới có ít nhất 9 họ với trên 600 loài thực vật có lá biến đổi để bắt ăn động vật. Chúng tạo thành các nhóm tiến hóa độc lập với nhau và chiếm những địa bàn riêng theo vùng địa lý.
Năm cấu trúc bắt mồi thường thấy có dạng bẫy chuông như nhóm nắp ấm, dạng hạt sương hay lớp bơ tạo bởi chất dính, dạng kẹp với khả năng khép lại giữ chặt con mồi vào giữa, dạng ống giác có miệng bóp lại hút chặt khi mồi đã lọt vào trong, và dạng ngọn lá cuốn tròn theo hình xoắn ốc mỗi khi con mồi bay chạm vào lông.
Ở nước ta ngoài nhóm nắp ấm chung vùng Đông Nam Á còn có nhiều loài Drosera có bộ lá xếp hình gọng vó mọc lên nhiều lông, đính đầu bởi hạt keo dính trong suốt như thể sương trời, tạo nên bức tranh vô vàn giọt mưa long lanh dưới nắng giữa vùng đầm lầy trông rất ngoạn mục. Nhiều loài nắp ấm nay được trồng thành cây cảnh để bán cùng với phong lan. Nhưng tính năng bắt mồi của nó biến mất một khi nguồn chất dinh dưỡng không còn thiếu hụt.