Cách lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn

Thực phẩm hay nước uống bây giờ không chỉ bẩn về mặt vật lý như bụi, đất… mà bị nhiễm nặng về mặt hóa chất, làm cho người sử dụng cũng bị “thu nạp” vào cơ thể “hàng đống” chất mà đôi khi không thể chuyển hóa, thải trừ được, dẫn đến việc ngộ độc. Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm cũng bị giảm sút do qú trnh “thúc đẩy tăng trưởng nhanh” cây trồng, vật nuôi… Người dân dăng cần có kiến thức nhận biết thực phẩm an toàn.

Ý thức những nguy hại của thực phẩm không sạch, khái niệm về thực phẩm sạch “organic” hay “thực phẩm hữu cơ” (thực phẩm nuôi – trồng bằng chất hữu cơ, không phải bằng hóa học) ra đời với các tiêu chí đảm bảo thực phẩm an toàn vệ sinh trong cả chuỗi thực phẩm.

Ví dụ người sản xuất sữa bò sẽ nuôi bò sữa trên những đồng cỏ sạch không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, hóa chất độc hại, không dùng thực phẩm biến đổi gen, không kháng sinh, không thuốc kích thích tăng trưởng, không hương liệu, phẩm màu… chứ không chỉ kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất sữa. Các sản phẩm được công nhận “hữu cơ siêu sạch” do những tổ chức uy tín trên thế giới giám sát kiểm tra nghiêm ngặt. Kết quả là giá thành sản phẩm cũng khá đắt.

Ở Việt Nam thì có khái niệm “rau sạch”, tức là rau củ quả được trồng tự nhiên, tưới bón bằng phân thiên nhiên, không dùng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) hay phân bón hóa học nào. Phân thiên nhiên từ phân động vật trộn với cây cỏ mục nát, diệt trừ sâu bọ bằng thiên địch (chim chóc bắt sâu bọ) hay biện pháp sinh học khác.

Tuy nhiên, về mặt an toàn và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm thì việc sử dụng “thực phẩm hữu cơ” cũng chưa chắc hơn “thực phẩm nuôi trồng bằng hóa chất được kiểm soát tốt”. Rau xanh trước khi thu hoạch thì cần ngưng việc bón phân hoặc phun thuốc trừ sâu 7 – 10 ngày, thì rau xanh đó cũng được xem là khá an toàn với thời gian dài dùng nước rửa trôi các hóa chất đã sử dụng.

Muốn làm “người tiêu dùng thông minh”, chúng ta cần phải có đủ thông tin để biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh. Trong tình hình “có chứng nhận rau sạch”, “em trồng đem bán chứ em không ăn”, hoặc “bắt sâu cho vào rau”, “dùng chổi quét lên rau để giả rau bị sâu ăn” thì “thật – giả” lẫn lộn làm chúng ta quá hoang mang. Thực phẩm bỏ vào siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng công tác kiểm tra giám sát an toàn có thật sự tốt hay không? Siêu thị có biết cách kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, kháng sinh trong thịt, hàn the trong chả lụa hay không? Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm cũng chưa chắc có đủ kiến thức và phương tiện để kiểm tra vô số các hóa chất không rõ nguồn gốc đã được đưa vào thực phẩm!

Nhưng mà nếu sợ quá thì ăn cái gì đây? Nếu không ăn thì cũng sẽ chết đói, trước khi chết vì ô nhiễm hóa chất. Bây giờ nhiều gia đình cũng đã tự trồng rau sạch, nhưng cũng không đủ cho nhu cầu sử dụng đa dạng, không lẽ thêm nuôi gà nuôi heo trong nhà thì xã hội ta chắc sẽ lại quay về thời kỳ nông nghiệp “tự cung tự cấp” lạc hậu ngày xưa! Thôi thì biết gì tránh đó. Mong rằng các cơ quan chức năng nên sớm có trang web công bố danh sách những đơn vị, những địa điểm tin cậy bán rau sạch, thịt sạch cũng như những cơ sở vi phạm để chúng ta được biết mà lựa chọn.

Chắc chắn là các sản phẩm của các công ty uy tín có thương hiệu lâu năm sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn hơn các sản phẩm không có bao bì, không rõ nguồn gốc xuất xứ; các thực phẩm có màu sắc tự nhiên sẽ an toàn hơn loại có màu sắc lòe loẹt bất thường; cá còn bơi, tôm còn nhảy sẽ an toàn hơn là hải sản đã chết. Nếu có được người thân hay người quen tin cậy biết rõ thực phẩm an toàn thì nên mua về sử dụng.

Các cửa hàng thực phẩm hay siêu thị cũng đã qua một vài lần sàng lọc, lựa chọn thì có vẻ sẽ an toàn hơn là chúng ta bước vào “chợ đầu mối nông sản” hay “chợ vỉa hè” trong khi không có kinh nghiệm lựa chọn hoặc không quen biết.

Chọn thịt heo có mỡ để bảo đảm không phải thịt siêu nạc vì salbutamol (nhưng về nhà thì cắt bỏ phần mỡ, da để hạn chế cholesterol xấu).

Cần chú ý thịt bò giá rẻ bất thường có thể làm từ thịt heo.

Mua đồ hộp hay thực phẩm đóng gói còn cần chú ý hạn sử dụng và điều kiện bảo quản thực phẩm của người bán hàng.

Mua chuối xanh về nhà thắp nhang ông địa chờ chuối tự chín rồi ăn cho an tâm.

Chú ý phân biệt thực phẩm Đà Lạt với thực phẩm Trung Quốc có sự khác biệt về hình thái bên ngoài và giá cả…

Nếu đi ăn bên ngoài, nên chú ý tìm chỗ ăn có bàn ghế kê cao ráo. Khoảng cách tối thiểu từ mặt đất đến bàn ăn là 60 cm để giảm bớt lượng bụi bay vào chén thức ăn do chúng ta đi lại. Bên cạnh đó, chén – dĩa – ly – muỗng sạch sẽ, mặt bàn khô ráo, nồi nấu trắng sạch, thức ăn được gắp bằng kẹp hoặc bao tay nylon, người nấu thức ăn không cầm tiền, thối tiền… là những điều kiện làm cho chúng ta an tâm và ăn uống ngon lành hơn. Các loại rau trụng, giá trụng tuy không diệt hết vi khuẩn nhưng cũng như một lần rửa sơ qua.

Ăn uống ở bên ngoài không an toàn, tốt hơn là mua nguyên liệu về nhà tự chế biến. Với thực phẩm mua về, cần rửa sạch và bảo quản tốt.

Rửa rau quả tươi sống phải trải qua 3 bước:

  • Đầu tiên là lặt rễ, rửa sạch đất cát, trứng giun sán bám trên lá;
  • bước thứ hai là ngâm ngập rau quả trong nước sạch hoặc nước muối khoảng 10 – 15 phút để thuốc trừ sâu tan ra trong nước;
  • cuối cùng rửa sạch lại thêm một, hai lần nữa cho đến khi nước trong. Đối với rau lá lớn như họ cải, rửa trực tiếp dưới vòi nước chảy là cách tốt nhất để loại cả phân bón và thuốc trừ sâu. Khi luộc rau nên mở nắp cho thuốc trừ sâu bay ra ngoài.

Mỗi ngày hãy nhớ đọc báo, nghe tin tức ở đài để thêm thông tin chính thống kịp thời mọi người nhé.

BS.CKI. Đào Thị Yến Thủy

Recommended For You