Cách trồng khế ngọt trong chậu cho nhiều trái

    Khế ngọt là trái cây chứa rất nhiều vitamin tốt cho sức khỏe. Người Malaysia hay dùng khế ngọt như loại trái cây ngon sử dụng trong gia đình hay đãi khách. Để trồng cây khế ngọt cho nhiều trái, đạt chất lượng ngon không quá khó, người trồng nên chăm sóc như sau:

    Theo hướng dẫn của trại giống cây trồng Thanh Duy (Bến Tre), hiện ở Việt Nam có nhiều giống khế ngọt như khế ngọt truyền thống, khế ngọt nhập từ Malaysia, Đài Loan, Thái Lan… Khế ngọt truyền thống trái nhỏ, vị ngọt chua, thịt trái hơi mềm, chưa chín đều có vị chát.

    Ưu điểm các giống khế ngoại nhập là trái lớn (300 – 700 g/trái), vị ngọt thanh, thịt trái giòn, ráo nước, trái chín có màu vàng đậm rất đẹp. Phù hợp sử dụng làm món trái cây tráng miệng hay chế biến nước ép thơm ngon. Malaysia rất chú trọng đến cây khế ngọt, họ trồng xuất khẩu trái sang các nước, vì vậy giống khế ngọt Malaysia nổi trội hơn, thích hợp trồng chậu nên người dân có thể chọn giống khế này để trồng.

    Chuẩn bị chậu và đất trồng, thuộc nhóm cây ăn trái nên chọn chậu lớn để cây phát triển lâu năm, chậu có đường kính ít nhất 50 cm x cao 60 cm trở lên là tốt nhất. Chậu có lỗ thoát nước tốt, phía đáy chậu thêm đá, sỏi – hạn chế úng ngập.

    Đất trồng là đất thịt hoặc cát, đất phù sa trộn với phân bò, phân trùn quế, trấu mục, xơ dừa. Mỗi chậu thêm 100 g phân dơi + 100 g phân lân nung chảy. Tất cả trộn đều cho vào chậu trước khi trồng 1 – 3 ngày.

    Chậu trồng ưu tiên để nơi có ánh sáng (6 – 8 giờ/ngày), nơi có nắng suốt ngày sẽ giúp cây phát triển và cho trái tốt hơn nơi râm, khuất ánh nắng.

    Trồng chậu cần tán thấp giảm đổ ngã, thường xuyên tỉa bỏ cành cao, cành vượt đứng, để cành ngang thấp. Loại bỏ cành không hữu hiệu, cành nhỏ núp nắng.

    Cây mới trồng bón phân định kỳ 15 ngày/lần, ưu tiên bón phân hữu cơ hoặc phân trùn quế (100 g/gốc), bón quanh mặt chậu, bón thúc NPK 20-20-15 (nửa muỗng canh) kết hợp tưới gốc phân hữu cơ, sinh học cho cây.

    Cây khế khỏe mạnh ít bệnh, chú ý diệt sâu ăn lá bằng cách bắt tay hoặc thuốc sinh học, hay sử dụng dung dịch gừng, tỏi, ớt để phun ngừa.

    Cây khế sau trồng khoảng 6 tháng cho trái tùy kích cỡ cây giống.

    Để cây khế trồng chậu cho trái quanh năm, trái lớn và ngọt không quá khó, chú ý bón phân định kỳ 20 – 30 ngày/lần.

    Đầu tiên bón phân hữu cơ dạng hạt/phân trùn quế/phân dơi 200 g/gốc + 20 g phân NPK 16-16-8, kết hợp tưới phân sinh học (Supagro, Goodwell, Humix…) giúp cây trổ nhiều hoa và đậu nhiều trái.

    Khi cây kết trái bón NPK 16-16-8 + tưới gốc phân sinh học, khi trái lớn chuyển màu thì bón bổ sung phân Kali (50 – 100 g/gốc tùy cây lớn nhỏ).

    Bón phân NPK kết hợp hữu cơ, sinh học như trên giúp cây khế nuôi trái nhiều mà cây vẫn sung tốt, giảm rụng trái, nuôi trái lớn, nhiều trái, trái chín ngọt thơm.

    Để hạn chế ruồi đục trái hay côn trùng cắn phá, sau khi trổ hoa và đậu trái bằng ngón tay, tỉa bớt trái nhỏ, trái đèo thì dùng túi bao trái lại từng chùm. Có thể sử dụng túi nylon bao trái nhưng phải đục nhiều lỗ thoát.

    Thành quả khi chăm sóc cây khế ngọt là thu những chùm trái chín mọng, màu vàng đậm tươi ngon cho gia đình.

    ANH ĐỨC

    Recommended For You