Suy thận có thể được chữa khỏi khi phát hiện và điều trị sớm, ngược lại bệnh sẽ diễn tiến sang giai đoạn kế tiếp gây ra nhiều biến chứng, trong đó có thể gây đột quỵ.
Ông N.V.P., trú tại xã Ia Tmốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng bí tiểu, đau tức vùng lưng phải, đột quỵ lần 2 gây yếu liệt nửa người bên trái, suy thận do sỏi, bí tiểu do bàng quang thần kinh, nhiễm khuẩn đường tiết niệu kháng thuốc.
Được biết, bệnh nhân phát hiện sỏi thận đã lâu nhưng không đến bệnh viện điều trị, ở nhà uống thuốc lá cho tan sỏi. Một năm sau, bệnh nhân đau đầu chóng mặt, đo huyết áp phát hiện huyết áp 180/100mmHg, mua thuốc huyết áp uống được 3 tháng thì đột quỵ.
Hiện tại, bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy sỏi, dẫn lưu bàng quang qua da và điều trị suy thận phòng tai biến tái phát do nguyên nhân từ thận.
Ông P. cho hay: “Khi bị sỏi thận, tôi chủ quan không đến đúng bác sĩ chuyên khoa thận để khám bệnh mà uống các loại thuốc nam, thuốc tan sỏi thời gian dài nên bệnh tăng nặng hơn mà không hay biết. Đến khi chuyển sang giai đoạn suy thận và đột quỵ thì sức khỏe đã giảm sút, khó hồi phục“.
Trường hợp khác là ông H.V.S., 65 tuổi, trú tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, do không tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, bị sỏi thận hơn 10 năm cũng không đi khám và kiểm tra sức khỏe thường xuyên mà tự ý sử dụng thuốc nam và thuốc bắc để uống tan sỏi nên ông P. bị tai biến mạch máu não 2 lần, suy thận, 2 thận ứ nước, cao huyết áp. Qua tìm hiểu, mặc dù bị sỏi niệu quản nhưng bệnh nhân chưa từng khám đúng bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu nên dẫn đến tình trạng suy thận, cao huyết áp và bị đột quỵ.
Những năm gần đây, tỷ lệ người dân mắc bệnh lý suy thận có xu hướng gia tăng ở tất cả các lứa tuổi. Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bệnh suy thận ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Suy thận cấp tiến triển cấp tính, diễn biến đột ngột, nếu được điều trị đúng phương pháp sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không được điều trị kịp thời, suy thận cấp có nguy cơ nặng lên, tiến triển thành suy thận mạn, gây đột quỵ hoặc tử vong.
Tại Khoa Ngoại – Thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện đang điều trị khoảng 150 bệnh nhân, trong đó có 60 bệnh nhân suy thận, nguyên nhân thường do sỏi và phì đại tuyến tiền liệt…Trong số bệnh nhân suy thận có 20 – 25 trường đã đột quỵ tại nhà để lại di chứng yếu liệt. Tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trên nền bệnh nhân suy thận tăng khoảng 40% so với những năm trước, độ tuổi mắc bệnh cũng trẻ hóa dần. Trước đây, bệnh suy thận và đột quỵ thường gặp ở độ tuổi trên 60 nhưng hiện nay có nhiều trường hợp chỉ 20 tuổi cũng đã mắc bệnh.
Thông thường ở người lớn tuổi, nội tiết tố Testosterone càng giảm thì tiền liệt tuyến càng tăng, làm cho bệnh nhân tiểu khó, tiểu buốt, tiểu rát, thậm chí bí tiểu, tắc đường tiểu… khi tắc đường tiểu, nước tiểu sẽ trào ngược lên thận, gây tổn thương thận, dẫn đến suy thận. Ngoài ra, người bị sỏi đường tiết niệu cũng dễ bị suy thận nếu không được can thiệp y khoa sớm. Sỏi càng tăng thì tình trạng suy thận cũng tăng theo.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại – Thận tiết niệu, khi đã suy thận, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng, huyết áp cao, thiếu máu, hạ albumin máu… dẫn tới bị đột quỵ. Người bệnh không thể vận động, chỉ nằm một chỗ nên càng ảnh hưởng đến đường tiểu tiện, viêm bàng quang hoặc bàng quang không còn co bóp, buộc phải dẫn nước tiểu qua da. Lúc này, nếu người bệnh được điều trị tích cực thì thận sẽ phục hồi, huyết áp trở về mức bình thường. Ngược lại, nếu bệnh nhân không được điều trị tình trạng suy thận càng tăng.
Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là nhiều người khi có các bệnh lý liên quan đến sỏi hoặc đường tiết niệu hoặc đã biết bản thân bị suy thận, cao huyết áp nhưng tự ý dùng kháng sinh, dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc để tự điều trị khiến bệnh có nguy cơ nặng hơn.
Đến khi bị đột quỵ thì chữa bệnh bằng các phương pháp bắt gió, cạo gió và không tận dụng thời gian vàng để đến bệnh viện khiến tình trạng bệnh nặng hơn, khó điều trị phục hồi hơn.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo: Khi bị đột quỵ thì tỷ lệ tái phát rất cao, khoảng 40%, thường đột quỵ lần hai sẽ nặng hơn lần đầu. Do vậy, để phòng suy thận và đột quỵ trên bệnh nhân suy thận, khi có các triệu chứng đau cột sống, đau lưng, da sạm, thiếu máu, nhợt nhạt, mệt mỏi, đi tiểu rặn, tiểu nhiều lần, tiểu đêm… cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa thận tiết niệu để khám và được chẩn đoán, can thiệp sớm.
Những người thừa cân, béo phì, cao huyết áp, bệnh lý van tim… hoặc những bệnh nhân suy thận có yếu tố: lớn tuổi có cao huyết áp, rối loạn nhịp, béo phì thừa cân, có chế độ ăn mặn trên 5 g muối/ngày hoặc chế độ uống nước có chất ngọt hơn 1 lít/tuần thì nguy cơ đột quỵ rất cao từ 30 – 40%, cần phải chú trọng kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ, có lối sống lành mạnh để kiểm soát tốt các bệnh có nguy cơ suy thận và đột quỵ.
Mỹ Hạnh
Nguồn: vtv.vn