Chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ rừng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, mặc dù các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình chồng lấn vào diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng của chủ rừng nhà nước vẫn còn xảy ra.

Ứng dụng công nghệ cao để giữ rừng

Tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 343.000 ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 297.000 ha và rừng trồng khoảng 45.200 ha. Tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 43,08%.

Thời gian qua tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, hộ gia đình chồng lấn vào diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng vẫn xảy ra. Chỉ tính trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 300 vụ vi phạm về khai thác vào bảo vệ rừng, trên 60 vụ lấn chiếm đất rừng.

Với địa bàn và diện tích rừng rộng lớn, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng lại mỏng, chính vì vậy việc ứng dụng công nghệ viễn thám vào quản lý bảo vệ rừng là việc làm hết sức cần thiết. Đây là cách làm sáng tạo trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng khi nguồn lực đầu tư và nhân lực còn hạn chế.

Việc ứng dụng công nghệ viễn thám đó là sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận để phát hiện những điểm rừng có thay đổi và thông báo đến lực lượng chức năng để có biện pháp kiểm tra, xử lý.

Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 10/2024, phần mềm này đã phát hiện và gửi tin cảnh cáo 507 điểm nghi ngờ biến động hiện trạng tài nguyên rừng. Theo đó, các đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp kiểm tra, xác minh 492 điểm ngoài thực địa và xác định các nguyên nhân cụ thể.

Bên cạnh đó, công nghệ viễn thám còn phát hiện một số vụ cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, lũ lụt, sạt lở, lốc xoáy, phá rừng trái pháp luật và các điểm rừng bị biến động do khai thác rừng trồng…. Kết quả thực hiện phần mềm bước đầu được đánh giá phù hợp với thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng, giám sát biến động tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công nghệ này có khả năng tương thích, chịu tải và phục hồi sự cố, tính bảo mật và độ chính xác tốt.

Thông qua ứng dụng công nghệ viễn thám, nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng được phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý kịp thời, không để xảy ra các điểm nóng phá rừng có quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng.

Tăng cường các biện pháp cấp bách để giữ rừng

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là trong cao điểm hanh khô hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng, duy trì thường xuyên, liên tục chế độ ứng trực 24/24, chế độ thông tin báo cáo về phòng cháy, chữa cháy rừng để đảm bảo liên thông từ cơ sở đến cấp tỉnh.

UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan chức năng có liên quan, lực lượng kiểm lâm, bao gồm Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các tổ chức, cá nhân được giao, chủ rừng… tăng cường công tác truyền, phổ biến, tổ chức vận động nhân dân chấp hành những quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất rừng.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất rừng, chỉ đạo chính quyền cấp xã nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng.

Chỉ đạo các cơ quan kiểm lâm, công an, tài nguyên và môi trường và UBND cấp xã kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và đất đai liên quan đến đất rừng.

Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng trong việc xác lập hồ sơ, xử lý hành vi lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật và sử dụng đất rừng sai mục đích. Chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ diện tích bị lấn, chiếm, sử dụng đất rừng trái mục đích để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm rà soát các trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chồng lấn với diện tích đất rừng thuộc lâm phận quản lý của các đơn vị chủ rừng để thu hồi, bàn giao theo đúng quy định.

Bên cạnh đó các ngành chức năng và các địa phương có biện pháp quản lý tốt diện tích rừng hiện có và thực hiện nghiêm các quy định cải tạo rừng, chủ động tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức cá nhân vào lĩnh vực sử dụng giá trị môi trường và cảnh quan của rừng.

Tăng cường các biện pháp phòng chống phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, có sự phân công, phối hợp tốt giữa lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân nhất là những khu vực trọng điểm…

PHAN LIÊN

Nguồn: Báo Bình Thuận

Recommended For You

Để lại một bình luận