Thời tiết TP.HCM đang trong giai đoạn hanh khô, nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, chính vì vậy nguy cơ cháy nổ tại các hộ gia đình diễn biến phức tạp.
Ngày 5.4, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) có khuyến nghị các biện pháp an toàn PCCC trong mùa nắng nóng, hanh khô. Nguyên nhân các vụ cháy nổ gần đây đa phần do chạm chập điện, sự bất cẩn của người dân trong quá trình sinh hoạt tại nhà, dẫn đến cháy lan gây thiệt hại về người và tài sản.
Nhằm giảm nguy cơ cháy nổ tại các hộ gia đình, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) khuyến nghị người dân thực hiện 13 điều:
Khóa van bình gas, tắt bếp khi không sử dụng
Không tàng trữ, buôn bán chất dễ cháy nổ tại nhà
Không lắp đặt “chuồng cọp” trong căn hộ để bịt lối thoát hiểm
Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn
Không dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện
Nếu bị mắc kẹt trong đám cháy, bắt buộc phải băng qua lửa thì dùng khăn, mền thấm nước vấn quanh người để bảo vệ cơ quan hô hấp
Kiểm tra các mối nối điện trong nhà phải đảm bảo kỹ thuật
Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện trong nhà
Không sử dụng các thiết bị điện công suất lớn vào một ổ cắm
Không sạc pin điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm
Trước khi ra đi ngủ hoặc ra khỏi nhà cần kiểm tra, tắt hết các thiết bị điện, bếp gas
Khi đun nấu, đốt vàng mã cần phải có người trông coi để tránh cháy lan
Khi có cháy xảy ra, người dân cần báo động cho người khác biết, tắt nguồn điện, dùng bình chữa cháy tại chỗ dập lửa.
Mùa nắng nóng kéo theo gia tăng nguy cơ cháy nổ diễn biến phức tạp tại khu thương mại, cơ sở kinh doanh xăng dầu, hóa chất, các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, khu vui chơi tập trung đông người, các chung cư (nhất là chung cư cũ)… Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) yêu cầu ban quản lý và chủ cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra an toàn PCCC để ngăn chặn các nguy cơ cháy nổ phát sinh.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở, chợ truyền thống, karaoke, vũ trường… và các loại hình tập trung đông người (trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, chùa…) nâng cao ý thức, trách nhiệm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, tự xây dựng các phương án chữa cháy, thoát nạn đề phòng các sự cố xảy ra.
* Hình bìa: Cháy nhà tại hẻm 124 Phạm Thế Hiển (P.2, Q.8) vào tối 1.4
Nguồn: Báo Thanh Niên | Mã Phong