Công tác ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng mở

Chiều 22/7, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2024.

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt khoảng 99,40%; riêng tỷ lệ tốt nghiệp học sinh THPT khoảng 99,69%, học sinh giáo dục thường xuyên khoảng 96,99%.

Về kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị cho công tác ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo hướng mở, phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành, Bộ GD-ĐT đã chủ động triển khai tập huấn trên toàn quốc về quy trình, nghiệp vụ, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho hàng nghìn giáo viên, giảng viên trên toàn quốc bởi các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trên cơ sở kết quả tập huấn vào tháng 4/2024, hiện nay các sở GD-ĐT đang triển khai cho giáo viên xây dựng đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi mới (những đề thi này sẽ được sử dụng làm nguồn cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi từ năm 2025).

Tháng 8/2024, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đánh giá, nhận xét các đề thi do các đơn vị xây dựng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng xây dựng câu hỏi thi, ngân hàng câu hỏi thi của giáo viên tại các địa phương cũng như phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng mở.

Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai thủ tục cần thiết để xây dựng hệ thống phần mềm phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Chia sẻ về một số điểm mới, ông Huỳnh Văn Chương thông tin về việc xây dựng các thư viện câu hỏi thi có “tính mở”. Theo đó, câu hỏi nguồn được đóng góp “mở” từ mọi nguồn lực có thể trong ngành, tạo ra thư viện “mở”; Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia lựa chọn tạo đề thi. Đề thi sẽ được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương; sau đó lựa chọn câu hỏi tốt qua xử lí kết quả bằng lý thuyết khảo thí (kết hợp các góp ý) để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi “đóng” (ngân hàng chuẩn hóa). Từ thư viện/ngân hàng câu hỏi thi là cơ sở để xây dựng đề thi cho các năm.

Công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được tổ chức trong 2 ngày với 3 buổi thi. Trong đó 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán, 1 buổi thi 2 môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12 (tổ hợp tự chọn).

Căn cứ các môn thi đã được công bố tại phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì sẽ có tới 36 tổ hợp tự chọn. Đây là thách thức lớn cho công tác bố trí và tổ chức thi.

Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị để bảo đảm việc sắp xếp phòng thi là tối ưu, hạn chế tối đa việc di chuyển của thí sinh, các địa phương cần tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký môn thi của thí sinh sớm từ tháng 12/2024 và xây dựng các phương án phòng thi và bố trí thực hiện thử nghiệm.

Trên cơ sở kết quả khảo sát nguyện vọng của thí sinh, các sở GD-ĐT có thể tiến hành dự kiến phương án sắp xếp địa điểm thi bảo đảm nguyên tắc: các thí sinh dự thi cùng tổ hợp tự chọn sẽ được sắp xếp cùng một phòng thi.

Việc vận chuyển đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được sử dụng phương thức vận chuyển qua hệ thống của Ban Cơ yếu chính phủ thay cho phương thức vận chuyển đề thi trực tiếp như hiện tại. Phương thức vận chuyển này đã được Bộ GD-ĐT thử nghiệm trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm học 2023-2024 diễn ra vào tháng 3/2024.

Ngay trong năm 2024, Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn cho các sở GD-ĐT phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ để có thể áp dụng ngay trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT báo cáo chuyên đề thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Nguyễn Xuân Thành đề nghị trong thời gian tới, các địa phương tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình; chỉ đạo thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu cần đạt của Chương trình. Trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá, chú trọng cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhất là đối với học sinh lớp 12 năm học 2024-2025.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2024-2025 là năm học Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2024-2025 cũng là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuẩn bị cho các nhiệm vụ 5 năm tiếp theo; đây cũng là năm ngành giáo dục đề đạt chính sách với Quốc hội, Chính phủ và triển khai thí điểm giáo dục mầm non mới, chuẩn bị các điều kiện để triển khai phổ cập giáo dục mầm non.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng GD-ĐT”.

10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới cũng được Bộ GD-ĐT xác định, trong đó, đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…

T.K

  • Hình bìa: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Nguồn: thanhuytphcm.vn

Recommended For You

Trả lời