“Ai lên xứ hoa đào”, chỉ bằng ca khúc ấy, nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1930 – 1973) đã xác lập được tên tuổi vững chắc của mình trong đời sống âm nhạc người Đà Lạt, qua đó bất tử hóa một loài hoa về sau trở thành biểu tượng của thành phố Festival Hoa Đà Lạt.
Thật lạ là từ đầu tới cuối ca khúc, tác giả không hề nhắc đến địa danh Đà Lạt, nhưng hầu như ai cũng biết nó là ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết riêng cho Đà Lạt – một Đà Lạt mộng nhất, thơ nhất, trinh nguyên nhất.
Đà Lạt – ở thời điểm người nhạc sĩ tài hoa này đặt chân tới – rất đỗi nguyên sơ: núi đồi, rừng thông, hồ nước, mây trời… đều nhuốm vẻ ảo diễm của xứ đào nguyên: ý nhị, trong veo, thoát tục…
Thật lạ nữa là từ đầu tới cuối ca khúc, tác giả cũng không đả động đến từ ngữ nêu đích danh hoa mai anh đào, nhưng hầu hết mọi người đều mặc nhiên hiểu hoa đào mà nhạc sĩ Hoàng Nguyên nói chính là hoa mai anh đào – một loài hoa đặc hữu của Đà Lạt, vừa có đặc tính của đào, vừa có đặc tính của mai, cộng với đặc tính của anh đào Nhật Bản.
Phong cảnh thơ mộng đó, lại thêm sắc nhuận của những đóa mai anh đào đang mùa nở rộ trong lãng đãng sương giăng càng làm Đà Lạt thêm phần diễm lệ. Cảnh kia, sắc nọ đã rộn lên bao nỗi đắm say trong hồn người lữ khách – nhạc sĩ Hoàng Nguyên – để rồi tiết điệu, giai từ cứ thế vang và lan như một hệ quả tất yếu.
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa”.
Giai từ lãng mạn, cùng tiết điệu uyển chuyển, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã đưa người nghe nhạc lạc vào xứ sở đào nguyên, với “thông reo bên suối vắng”, với “hơi giá” đang “len vào hồn người” trong một “chiều xuân mây êm trôi”, với người lữ khách đang “bước lần theo đường hoa”.
Ở đó, những “hoa bướm” – “bướm hoa”, những “sương khói” – “khói sương”, những “quên lãng” – “lãng quên”… cứ mãi quấn quyện lấy nhau, mở ra một không gian mơ mơ, thực thực.
Ở đó, “tiếng tơ” lẫn trong “ý thơ”, dìu dặt mời gọi người lữ khách “dừng chân phiêu lãng”, cùng lắng hồn thơ”, “mơ mộng đào nguyên”.
Ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”, nhạc sĩ Hoàng Nguyên viết theo thể cách âm nhạc cổ điển châu Âu: chỉn chu, đăng đối, hài hòa… Thi thoảng tác giả biến tấu một đôi note theo thể cách âm nhạc ngũ cung nhằm tạo ra sự biến cách trong một số tiết nhạc, câu nhạc theo ý đồ của mình.
Nhờ sự kết hợp đó, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã “vẽ” nên một bức tranh Đà Lạt thật đẹp, như chỉ có thể thấy trong thế giới thần tiên ở chốn đào nguyên.
“Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”.
“Ôi màu hoa đào!..”, “Ôi màu hoa đào!..”, “Ôi màu hoa đào!..” – nó là lời cảm thán của tác giả trước vẻ mộng mơ của mai anh đào. Mỗi lần bật thốt câu cảm thán “Ôi!..” là một lần nhạc sĩ Hoàng Nguyên tăng cao độ và trường độ cảm xúc, như chính ca từ trong ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” đã khẳng định: “… đã bao lần vì màu hoa mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du”.
“Ai lên xứ hoa đào…” – lời chào vẫy mọi người đến với Đà Lạt của nhạc sĩ Hoàng Nguyên vẫn mãi là ca khúc được công chúng âm nhạc yêu mến. Trong số triệu triệu du khách đến Đà Lạt mỗi năm, chắc chắn không thiếu du khách đến đây du lịch chỉ vì sự thu hút bởi giai từ và tiết điệu của ca khúc “Ai lên xứ hoa đào”:
“Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ màng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai”.
TRỊNH CHU
- Hình bìa: Mai anh đào Đà Lạt
Nguồn: Báo Lâm Đồng