Vùng đất Quảng Ngãi không được thiên nhiên ưu đãi như nhiều địa phương khác trong nước. Hằng năm, thời tiết khắc nghiệt với nắng hạn, mưa bão kéo dài, gây ra thiệt hại đáng kể về người và của. Bù lại, người dân miền núi Ấn, sông Trà bằng bàn tay khéo léo và trí thông minh của mình đã tạo ra những sản phẩm độc đáo: Cá bống sông Trà kho tiêu, don Phú Thọ, mạch nha Thi Phổ, kẹo gương Thu Xà, quế Trà Bồng, thổ cẩm Làng Teng, tỏi Lý Sơn, nón lá chợ Đình, bánh tráng Phú Châu…
Người Quảng Ngãi tha hương, mỗi lần nhớ quê là thêm một lần nghĩ đến những đặc sản của quê nhà; khách thập phương, dù chỉ một lần thưởng thức cũng thật khó quên.
Trong nhiều năm qua, nhờ quan hệ giao lưu giữa các vùng miền, nhiều đặc sản Quảng Ngãi đã có mặt ở thị trường trong cả nước, trở thành những món quà giàu ý nghĩa của nhiều gia đình. Dù không ít địa phương trong cả nước trồng và chế biến mía đường, nhưng không ở đâu có thể làm ra những món kẹo gương, đường phổi, đường phèn như Quảng Ngãi. Tỏi Lý Sơn cũng là một thức đặc biệt. Nói không quá lời, cả nước, nhưng chẳng có nơi nào làm ra được những củ tỏi có mùi vị độc đáo như ở hòn đảo gắn liền với Đội Hoàng Sa lừng danh trong lịch sử.
Ngược về quá khứ, theo ghi chép của sử sách trong nước và tư liệu của các nhà buôn, nhà nghiên cứu nước ngoài, trong các thế kỷ 17, 18, 19, thậm chí đến nửa đầu thế kỷ 20, nhiều sản phẩm của Quảng Ngãi đã là món hàng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng, như quế Trà Bồng, kẹo gương, đường phèn Thu Xà.
Tự hào như vậy, đáng quý như vậy, nhưng có một thực tế cần phải suy nghĩ, đó là cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thu hút khách hàng.
Quan sát món mạch nha của làng Thi Phổ, xã Đức Tân (Mộ Đức) để thấy cách thức chúng ta tạo hình ảnh về sản phẩm như thế nào. Đây là món ăn được chế biến công phu từ mộng lúa, vừa ngọt thanh lại vừa lành tính, chất lượng không thua kém bất cứ loại bánh kẹo nào trong và ngoài nước. Nhưng sản phẩm tuyệt hảo này lại được đựng trong những vỏ hộp sữa bò đã qua sử dụng, nhãn dán bên ngoài là sản phẩm in lụa, nhợt nhạt một màu. Muốn ăn mạch nha, người dùng phải sử dụng một que tre hoặc một chiếc thìa nhỏ, lấy sản phẩm từ trong hộp đựng, đưa qua một mẩu bánh tráng đã nướng chín, rồi cho vào miệng. Thế nhưng sản phẩm bán ra lại không kèm chiếc que hoặc chiếc thìa để người mua sử dụng. Nếu khách có hỏi, thì người bán đưa ra một chiếc đũa ăn, có khi bám đầy bụi!
Nhang quế Trà Bồng, là những que nhang (hương) làm từ bột quế chi, khi thắp lên toả ra mùi hương thơm dịu, giá thành lại khá thu hút so với các loại nhang bán trên thị trường, vì quế chi là nguyên liệu tại địa phương, giá thu mua rất rẻ. Thế nhưng nhang quế Trà Bồng phần nhiều không cho vào hộp, mà chỉ bọc giấy, nhãn hàng đã không gây ấn tượng, nội dung lại quá đỗi sơ sài.
Don là một món ăn mà người Quảng Ngãi thì mê, người nơi khác đến thì thích thú muốn “ăn một lần cho biết”. Những hàng quán bán don ở Phú Thọ, Nghĩa Hà là địa chỉ quen thuộc từ giới bình dân đến người sành điệu, từ người Quảng Ngãi ở quê nhà đến bà con đi làm ăn xa về thăm quê. Nhưng đến các quán don ấy bạn thấy gì? Ngon, đúng rồi. Vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng chẳng có gì phải lo lắng. Người bán cũng vậy. Đon đả, niềm nở, chân tình. Có điều, ai cũng nhận ra: từ cái tô đến đôi đũa, từ cái quạt dựng bên góc quán đến lọ tương ớt trên bàn, tất cả đều cũ kỹ như nó vẫn thế tận mấy mươi năm trước. Thậm chí có hàng don ngon nổi tiếng, nhưng nhà quán vẫn còn ở dạng tạm bợ, sơ sài, mái lợp tôn, vách ám đầy khói bếp.
Về phương diện báo chí, truyền thông, cũng có lắm chuyện cần bàn. Bên cạnh những nhà báo nhiệt tâm, lặn lội đến tận nhiều miền quê để tìm hiểu, viết bài, chia sẻ buồn vui với các làng nghề, các nghệ nhân, thì cũng có những bài chép qua, chép lại mà không hề tiếp cận thực tế, dẫn đến lắm điều tréo ngoe cẳng ngỗng. Viết về rượu cần của người Cor mà lại cho vào ché, dù người Cor không dùng ché để ủ rượu truyền thống như người Hrê. Khen nón lá chợ Đình bằng cách đem câu ca dao này ghép ẩu với câu kia, thành “đầu Ngô mình Sở”.
Những năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến đặc sản Quảng Ngãi cũng đã có những cải tiến đáng kể: Kẹo gương, đường phổi đã có những vỏ hộp đẹp, bắt mắt. Mạch nha, cá bống của nhiều cửa hàng, cơ sở sản xuất đã dùng lọ thuỷ tinh làm đồ đựng, nhãn mác thiết kế đẹp. Một vài cơ sở sản xuất bánh tráng mỏng đã cho sản phẩm vào hộp giấy cứng. Nhang Trà Bồng cũng có cơ sở đóng gói chỉn chu. Hành tỏi Lý Sơn đã có bao bì hút mắt, ghi rõ cơ sở đóng gói, bảo hành, hạn sử dụng. Thế nhưng, những cải tiến này còn rất chậm.
Nêu ra những điều trên, người viết bài này không có ý chê bai những đặc sản của quê nhà hay coi nhẹ những cố gắng của nhà sản xuất và cơ sở chế biến, mà chỉ muốn nói rằng: Trong điều kiện kinh tế thị trường, chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm là chưa đủ, dù đó là yếu tố then chốt. Muốn bán được hàng, muốn sản phẩm của mình ăn khách, người sản xuất, cơ sở chế biến, cơ sở bán hàng phải chú trọng đến khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh vấn đề vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm, người bán hàng còn phải làm cho sản phẩm mình đẹp hơn, sang trọng hơn, thu hút khách hàng nhiều hơn.
LÊ HỒNG KHÁNH
- Hình bìa: Bánh thuẫn Quảng Ngãi. Ảnh: H.Khánh
Nguồn: Báo Quảng Ngãi điện tử