“Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”

“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư căn dặn tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15.9.2021.

Những người làm quan mà tham lam, xây cung vàng điện ngọc, đi xe hơi đắt tiền, mang đồng hồ và áo quần hàng hiệu, ngoài chuyện tiền đâu để xài như vậy, còn là thể hiện tầm văn hóa. Người làm quan có văn hóa cao không ai sống như vậy, mà chú tâm vào công việc, đóng góp cho đất nước, cho cộng đồng xã hội.

Những người từng làm việc, tiếp xúc, gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm nhận ở ông sự gần gũi, thân thiện và giản dị. Tổng Bí thư đi chiếc xe đời cũ, áo quần chỉ cần tươm tất, không cần gì nhiều về vật chất. Sống liêm khiết không chỉ là bản lĩnh trước cám dỗ vật chất, mà còn thể hiện văn hóa của một trí thức.

Tổng Bí thư nói: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng“.

Trọng danh dự, có lòng thương yêu, tôn trọng lẽ phải, bảo vệ sự công bằng, đó chính là những giá trị mà Tổng Bí thư nêu lên, được xem như một lời kêu gọi để cán bộ, quan chức và người dân sống có văn hóa.

Văn hóa được đo lường trong ứng xử, giao tiếp. Đến với công nhân lao động, Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm chuyện công việc, thu nhập, cười vui với mọi người như người nhà, không có khoảng cách. Đến thăm trường cũ, Tổng Bí thư nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn… Chức tước như phù vân!”.

Người văn hóa thấp thì thường hay “kiễng chân”, còn có văn hóa cao lại hạ thấp mình. Những ông cán bộ khệnh khạng, đi đâu cũng “tiền hô hậu ủng”, băng rôn áp phích chào đón lòe loẹt là tự giới thiệu cho thiên hạ biết “chân dung” văn hóa của mình. Thiên hạ rất xem thường nhưng họ cứ tưởng quan to là phải ra oai.

Bởi thế, lời nói “chức tước như phù vân” đáng để cho người làm quan suy nghĩ.

LÊ THANH PHONG

Nguồn: Báo Lao Động

Recommended For You

Để lại một bình luận