Đôi điều cần lưu ý khi bị chứng khó tiêu

Chứng khó tiêu thường gặp ở mọi lứa tuổi, do rất nhiều nguyên nhân: thiếu nước bọt, viêm loét thực quản, dạ dày, ruột, hồi lưu dạ dày – thực quản, u dạ dày, loạn vận động hay liệt dạ dày; viêm gan, ứ mật, viêm tụy; nhiễm ký sinh trùng; không dung nạp hay kém hấp thu thực phẩm và chất dinh dưỡng; cũng có thể do nguyên nhân tâm lý: trầm cảm, lo âu…

Chứng khó tiêu biểu hiện bằng các triệu chứng ợ chua, ợ nóng, no hơi, sình bụng, buồn nôn, ói mửa, đau vùng thượng vị…

Điều trị chứng khó tiêu cấp thời có vẻ đơn giản, nhưng cũng có những điều cần lưu ý sau đây:

Thông thường, để điều trị chứng khó tiêu, ợ chua, ợ nóng hay nôn ói, chúng ta hay đến nhà thuốc tây mua các loại thuốc để làm giảm acid của dịch vị, gồm các chất kiềm như bicarbonat (thuốc tiêu mặn), Maalox, Maloxal, Normogastrin, Orthogastrin, Phosphalugel… hoặc các chất chống tiết dịch vị nhóm kháng thụ thể H2 (cimetidin, raniridin…) hay nhóm thuốc ức chế bơm proton (Omeprazol, Lanzoprazol…).

Các loại thuốc này có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng và giảm độ acid ở dạ dày (nâng pH từ 2 lên trên 3,5) nhằm ức chế tác dụng gây kích ứng dạ dày của pepsin (một enzym có chức năng tiêu hóa protein). Thế nhưng, khi pH của dạ dày tăng lên, lại gây khó khăn cho sự tiêu hóa chất đạm và làm thay đổi cân bằng vi-sinh ở đường tiêu hóa, đặc biệt làm tăng sinh vi khuẩn Helicobacter pylori, là một vi khuẩn có khả năng gây viêm loét dạ dày và tá tràng rất cao, thậm chí dẫn đến ung thư dạ dày.

Một nghiên cứu khác còn cho thấy: hơn một nửa bệnh nhân dùng thuốc kháng acid hàng ngày có dấu hiệu bị trầy loét thực quản!

Trong những nguyên nhân thực thể thường gặp, các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, nôn ói và đau tức hay khó chịu ở vùng ngực, bụng sau khi ăn, có thể là do trào ngược dạ dày – thực quản; do ăn quá nhiều hoặc dạ dày không dung nạp thức ăn …

Mặt khác, đa phần chứng khó tiêu ở người lớn tuổi có nguyên nhân là do thiếu acid chứ không phải do thừa acid ở dạ dày! Nhiều cuộc khảo cứu chỉ ra rằng, hơn 50% những người trên 60 tuổi bị thiếu acid ở dạ dày. Thiếu acid dạ dày còn liên hệ đến rất nhiều bệnh chứng về gan, mật, tiểu đường, thiếu máu, loãng xương, viêm khớp, bệnh tuyến giáp, các bệnh chứng ở da như dị ứng, mụn, eczema, lupus, bạch biến (vitiligo), phát ban (hives)…

Vì vậy, để phòng ngừa và trị chứng khó tiêu, cần lưu ý các điều sau đây:

Phòng ngừa

– Không ăn quá no. Nên ăn chậm, nhai kỹ để giảm không khí nuốt vào, đồng thời giúp thức ăn được phân chia nhỏ và có thời gian để hòa trộn với các enzym tiêu hóa ở miệng (trong nước bọt), dạ dày (trong dịch vị), ruột (trong dịch mật, dịch tụy, dịch tràng)…

– Giảm các chất gây kích ứng dạ dày hoặc làm giảm trương lực của cơ co thắt thực quản như: rượu mạnh, thuốc lá, cà phê, trà đậm, sô cô la; các thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vịcay (tiêu, ớt, mù tạc…); các thức uống có gas; các thức ăn nguội lạnh, thiu ôi; thực phẩm công nghiệp; thức ăn nhanh, snack; các loại thực phẩm có nhiều đường lactose, fructose, sorbitol, manitol (trong bánh mứt, kẹo công nghiệp); bột tinh chế như mì gói, miến, nui, bánh mì trắng…

– Hạn chế dùng các thuốc có khả năng gây viêm loét dạ dày, tá tràng như aspirin, các thuốc giảm đau, chống viêm (có hoặc không có steroid)…

– Ăn nhiều rau quả tươi: vừa có nhiều vitamin và chất xơ dễ tiêu hóa (trừ vài trường hợp chống chỉ định, như bị viêm tắc hay nghẽn ruột chẳng hạn).

– Nên uống nhiều nước, nhưng không uống nhiều trong bữa ăn.

– Tránh vừa ăn vừa làm việc, chơi game hay xem tivi…

– Sau khi ăn không đi nằm liền. Người già yếu, bị bệnh nằm liệt giường thì nên kê cao đầu khi cho ăn và cả 1 – 2 giờ sau khi ăn.

– Với trẻ em bú bình, cần cầm bình sữa đứng nghiêng để tránh trẻ nuốt hơi khi bú. Sau khi cho bú, nên ẵm trẻ thẳng đứng và vỗ nhẹ vào lưng nhiều lần để ngừa nôn trớ.

– Tránh lối sống tĩnh tại; năng vận động: đi bộ, tập thể dục, bơi lội, khí công, (nhất là chú ý động tác thở bụng để tăng vận động dạ dày, ruột)…

– Điều quan trọng không kém là nên tránh stress về tâm lý: nóng giận, lo âu, buồn bực… Tạo môi trường tâm lý thoải mái và tập trung khi ăn để giúp ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.

Điều trị

Các kinh nghiệm dùng cây nhà lá vườn có thể áp dụng tương đối hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị nhanh chứng khó tiêu, đầy bụng và được các nghiên cứu khoa học kiểm chứng như sau:

– Khi ăn thức ăn nhiều chất đạm (trong tiệc tùng…), nên dùng thêm mấy lát Dứa (Thơm, Khóm) vì trong Dứa có chất bromelain là một enzym tiêu hóa protein rất tốt. Cũng có thể dùng Đu đủ, nhưng Đu đủ xanh mới có nhiều papain tiêu hóa protein tốt hơn là Đu đủ chín.

Thơm (Khóm), Đu đủ cung cấp enzym tiêu hóa rất tốt.

– Khi bị khó tiêu đầy bụng, nhất là do ăn các thức ăn giàu đạm (thịt, hải sản) hoặc do sình bụng, lạnh bụng, buồn nôn…, nên lấy một nhánh Gừng tươi bằng ngón tay cái nhai với muối (hoặc giã nhỏ, vắt lấy nước hòa với một ít mật ong cho dễ uống).

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Gừng vừa có tác dụng cải thiện trương lực dạ dày và ruột, giúp đẩy thức ăn nhanh qua đường tiêu hóa, nhưng lại có tác dụng chống co thắt mạnh nên Gừng cũng giúp chống nôn, đau bụng tiêu chảy do dạ dày hoặc ruột co bóp quá mức.

Một số hợp chất tan trong lipid của Gừng có tác dụng đối kháng trên thụ thể serotonin nên làm giảm co rút cơ nội tạng và mạch máu, giảm tiêu chảy do serotonin gây ra. Gừng còn có khả năng chống loét dạ dày qua các nghiên cứu trên súc vật cho uống các tác nhân gây loét thực nghiệm như aspirin, indomethacin, rượu…

Thí nghiệm cho thấy: Gừng nướng có tác dụng tốt hơn Gừng khô.

Theo đông y, Gừng có vị cay, tính ôn nhiệt (ấm hay nóng) dùng để trị chứng khó tiêu do tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa bị suy yếu và lạnh), nên những người bị nóng bứt rứt, không khát nước, táo bón (thuộc nhiệt chứng) thì không nên dùng Gừng, mà có thể dùng 60 g hạt Đậu ván rang thật vàng nấu lấy nước uống.

– Cũng có thể dùng một miếng vỏ trái Bầu khô bằng nửa bàn tay, đốt cháy thành than và tán bột cho uống.

– Các thuốc tân dược có tác dụng chống nôn, giúp đẩy nhanh thức ăn qua đường tiêu hóa hoặc giảm sinh hơi đầy bụng như metoclopramid (Primperan); domperidon (Motilium-M), simethicon (Simelox)… tỏ ra có hiệu quả để trị chứng khó tiêu hơn là các thuốc kháng acid đơn thuần.

Chú ý:

1. Khi có các triệu chứng khó tiêu, sình bụng, buồn nôn, ói mửa, đau rát vùng thượng vị kéo dài hoặc có kèm xuất huyết tiêu hóa, vàng da, sụt cân nhanh… thì nên đến bác sĩ khám và chỉ định điều trị để có thể phát hiện sớm những nguyên nhân tiềm ẩn nguy hiểm.

2. Những người có bệnh mạch vành, suy tim, cao huyết áp nặng… nên để ý những triệu chứng như ợ nóng hay đầy tức, nghẹn ở vùng ngực, bụng, đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của cơn bột phát nhồi máu cơ tim nguy hiểm, chứ không hẳn là do khó tiêu.

DS. HUỲNH TRÀ KIỆU

Recommended For You