Mặc dù biết bơi nhưng tôi đã từng suýt bị đuối nước ở hồ bơi chỉ vì mấy đứa nhỏ cùng bơi nghịch ngợm mải đuổi nhau ra giữa hồ, hồn nhiên chọn lưng tôi làm trụ để chúng đứng tạt nước nhau cho dễ.
Đang bơi giữa vùng nước sâu mà đột ngột bị nhấn xuống, bị tóm chặt chân tay, không thể khua khoắng hay trồi lên, tôi nhanh chóng bị sặc nước trong sự hoảng loạn. May mà bọn nhóc hiếu động không trụ lại lâu một chỗ…
Vụ việc hú hồn đó khiến tôi chợt nhận ra rằng lâu nay mình đã quá chủ quan, cứ nghĩ rằng biết bơi là có thể yên tâm xuống nước, trong khi điều quan trọng hơn là an toàn trong môi trường nước thì hầu như không hề biết, hoặc có biết nhưng cũng không để tâm học hỏi kỹ để biết cách xử trí khi cần.
Có lẽ, đó cũng là thực trạng chung, là nhận thức lâu nay của không ít người. Để phòng chống tai nạn đuối nước, nhất là đuối nước trẻ em, thì việc tập để biết bơi, biết cách nổi trên mặt nước là hết sức cần và cấp thiết, nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ.
Trong chương trình Tọa đàm phòng, chống đuối nước cho trẻ em do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức, cùng với việc đề cập đến thực trạng đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em Việt Nam, minh chứng bằng những con số đau lòng, các chuyên gia trong lĩnh vực này còn nêu lên một vấn đề đáng lưu tâm: trong số trẻ bị đuối nước, có nhiều em biết bơi!
Báo cáo thống kê cho thấy, trong các trường hợp đuối nước, ngoài nguyên nhân không biết bơi, còn có nhiều nguyên nhân khác như: Không biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước khi đi bơi, khi tham gia vui chơi dưới nước; không khởi động trước khi xuống nước, bơi ra khỏi khu vực an toàn, thiếu sự giám sát và trợ giúp khi cần, khi ngạt nước không được sơ cứu đúng cách và kịp thời…
Như vụ việc tôi đã gặp nêu trên, dù đã biết bơi nhưng chẳng may gặp sự cố bất ngờ dưới nước, nếu không bình tĩnh và không có những kỹ năng cần thiết để tìm cách thoát ra thì rất dễ lâm nguy. Do đó, trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn trong môi trường nước là hết sức quan trọng với tất cả mọi người, nhất là với trẻ em. Khi các em còn non nớt cả về nhận thức và hành động, thì cùng với sự quan tâm giám sát chặt chẽ, người lớn cũng cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em về vấn đề này, làm sao để trẻ nhận thức được rằng biết bơi là tốt, nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, mà còn cần phải có kỹ năng an toàn trong môi trường nước nữa, nhất là cách phòng tránh, xử lý tình huống nguy hiểm có thể gặp khi đang bơi như bị chuột rút, bị người đuối nước bám víu, bơi phải vào vùng nước xoáy, cách sơ cứu người ngạt nước…
Không ai phủ nhận lợi ích của việc bơi lội, nhưng không phải ai cũng lường hết những mối nguy có thể xảy ra với chính hoạt động này. Nói chung, khó có thể lường hết mọi tình huống nguy hiểm có thể bất ngờ xảy ra dưới mặt nước sâu, nhất là ở khu vực sông suối, ao hồ, bãi biển… Vì thế, tốt nhất vẫn là bơi lội ở khu vực an toàn và có sự giám sát để có thể kịp thời được cứu hộ khi cần thiết.
Hoa Hồng
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử