Trước những khảo sát của nhiều tập đoàn nhân sự lớn về việc các doanh nghiệp ngày càng coi trọng chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) trong khâu tuyển dụng, có nhiều ý kiến cho rằng, Gen Z nói chung và sinh viên công nghệ, khoa học kỹ thuật nói chung sẽ sở hữu EQ không cao, khó đạt được thành công trong sự nghiệp.
Ngày 19/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm “Với dân công nghệ, EQ không thấp như bạn nghĩ”. Với sự tham gia của nhiều diễn giả là những cá nhân thành công, xuất thân là sinh viên công nghệ, khoa học kỹ thuật, Tọa đàm đã giải đáp các thắc mắc của người trẻ về những định kiến chưa đúng đắn.
Có mặt tại Tọa đàm, Thạc sĩ Võ Minh Quân, tác giả của cuốn sách “Profit-driven digital marketing”, chia sẻ: “EQ là yếu tố giúp chúng ta có được sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để giải quyết những vấn đề như bối cảnh phức tạp, tính cạnh tranh cao… Nhờ trau dồi về EQ, tôi hiểu thêm và có thêm rất nhiều điều“.
Theo diễn giả, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc quan tâm “nâng cấp” chỉ số EQ sẽ giúp các bạn trẻ hiểu rằng, khi kỳ vọng được giảm xuống, những bức xúc, áp lực trong cuộc sống cũng sẽ được giải tỏa hơn. “Hạ kỳ vọng khó có thể giúp chúng ta đi nhanh, nhiều và mạnh mẽ, nhưng lại mang đến sự chắc chắn, dự trữ được năng lượng tích cực. Ngay cả thất bại cũng vậy. Các bạn trẻ đừng ngại thất bại, bởi chính điều này sẽ giúp các bạn nhìn nhận được mình còn thiếu, yếu, cần gì để ngày càng hoàn thiện bản thân”, anh Võ Minh Quân cho hay.
Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ truyền thông Vinh San Phạm từ hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English cho biết: “16 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, tôi nhận thấy có một nghịch lý là chính các bạn trẻ học công nghệ, khoa học kỹ thuật lại mang trong mình suy nghĩ rằng bản thân không thể có kỹ năng mềm như bạn bè thuộc khối khác. Nguy hiểm hơn, một bộ phận còn cho rằng cải thiện EQ là điều… không cần thiết“.
Anh Phạm Vinh San khẳng định, trong thời đại công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy móc hoàn toàn có thể thực hiện những việc liên quan đến tính toán, chuyên môn nhanh và vượt trội so với con người. Vì vậy, lao động trẻ muốn “sống sót” trong thời đại ngày nay cần rèn thật tốt những điều mà chỉ con người mới có, cụ thể là EQ.
Trong khi đó, diễn giả Trần Thanh Tùng (thường được biết đến với tên gọi Tùng BT, thành viên Hội đồng Thẩm định chương trình Shark Tank Việt Nam), thổ lộ: “Tôi từng có suy nghĩ chỉ cần học và học giỏi là đủ. Nhưng điều này sau đó lại trở thành trải nghiệm không hề vui, khiến tôi thay đổi rất nhiều. Tôi thiếu sự kết nối với xã hội, thậm chí không có bạn bè mà chỉ biết quanh quẩn với thư viện, sách vở“.
Nhưng cũng chính từ sách vở, chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từng được đánh giá là “mọt sách, vô duyên” đã kiên trì thay đổi với quy tắc “phát triển là luyện tập và kiểm điểm bản thân liên tục” để có được những thành công, được nhiều người ghi nhận, đánh giá cao như hiện tại, nhất là về chỉ số EQ.
NGỌC VY
- Hình bìa: Các diễn giả chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm.
Nguồn: Báo Nhân Dân