Bà Hà Thị Mai Phương (Sơn La) hỏi, giáo viên giảng dạy thực hành lâm sàng tại bệnh viện cho đối tượng sinh viên được hưởng chế độ ngành nghề học độc hại, nguy hiểm (Điều dưỡng – Hộ sinh mã 57203 và Điều dưỡng – Hộ sinh mã 67203) có được hưởng chế độ phụ cấp theo Nghị định số 113/2015/NĐ-CP không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Căn cứ Điều 10 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thì nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định) đủ điều kiện hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Căn cứ Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH, ngành, nghề đào tạo Điều dưỡng – Hộ sinh (trình độ trung cấp – mã 57203, trình độ cao đẳng – mã 67203) thuộc Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Căn cứ Khoản 3 và Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH, nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy trong trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập là đối tượng được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Do đó, nhà giáo thuộc danh sách trả lương của trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, đang giảng dạy thực hành lâm sàng ngành, nghề Điều dưỡng – Hộ sinh (trình độ trung cấp – mã 57203, trình độ cao đẳng – mã 67203) thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Nghị định số 113/2015/NĐ-CP.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ