Sự phát triển của các phương tiện truyền thông và công nghệ đã trở thành phương tiện thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình mọi lúc mọi nơi. Cha mẹ không có thời gian cho con cái, trong gia đình các thành viên hạn chế giao tiếp, trao đổi tình cảm, ai cũng dành thời gian dùng điện thoại và mạng xã hội…
Cô đơn, nhàm chán ngay cả khi ở bên cạnh bạn đời
Theo nghiên cứu của Trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP.HCM báo cáo tại tọa đàm “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững” do ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức thì hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ ngày càng cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước.
ThS. Trần Lâm Kim Phượng, Trường đại học văn hóa TP.HCM cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định ly hôn, tuy nhiên, một lý do mà nhiều cặp đôi đưa ra (nhất là phía phụ nữ) là mối quan hệ vợ chồng không có sự chia sẻ, ít dành thời gian cho nhau.
Rất nhiều gia đình, hai vợ chồng sau một ngày dài đi làm trở về nhà, chỉ chào nhau, ăn uống, dọn dẹp rồi người thì chăm chú xem ti vi, người thì cầm điện thoại mải mê lướt Facebook, Zalo, Youtube, game… Điều đó khiến cho thành viên còn lại cảm thấy cô đơn, nhàm chán ngay cả khi ở bên cạnh bạn đời và lẻ loi trong chính ngôi nhà của mình. Lâu dần cuộc sống không còn sự kết nối, chia sẻ, ai cũng có thú vui riêng thì khoảng trống vô hình giữa hai người sẽ ngày càng lớn dần.
Chia sẻ về vấn đề này, rất nhiều người có cùng tâm sự, những người chồng thường xuyên sử dụng điện thoại cả ngày lẫn đêm, giờ ăn cơm thì chăm chú xem ti vi, không quan tâm đến vợ con, ít hoặc không chia sẻ việc nhà. Vợ hỏi thì trả lời hoặc không tập trung với những lời nói từ vợ, lâu dần chính những người vợ cảm thấy chai sần, họ cũng chẳng hỏi nữa, chẳng tâm sự nữa. Từ đó, tình cảm vợ chồng cũng ít mặn mà hơn, ít chia sẻ hơn, dễ dàng phai nhạt theo thời gian.
ThS. Trần Lâm Kim Phượng cảnh báo: “Mối quan hệ vợ chồng tưởng chừng đã được mặc định từ khi ký với nhau giấy đăng ký kết hôn, nhưng tình cảm vợ chồng như việc nấu ăn vậy, không phải bạn bày bữa ăn ra bàn là đã thành công, bạn sẽ phải nêm nếm gia vị đủ liều mới ngon, ít thì nhạt mà nhiều quá chỉ có đổ bỏ đi.
Nếu nửa kia nghiện mạng xã hội thì nên nghiêm túc ngồi lại với nhau, nhìn nhận lại vấn đề cần giải quyết, tránh im lặng để rồi mắc kẹt mãi với những suy nghĩ tiêu cực về mối quan hệ, sự lạnh nhạt dần sẽ trở thành nguội lạnh đến lúc “giọt nước tràn ly” phải nói với nhau lời “giã từ” cuộc sống chung một mái nhà”.
Sự biến đổi về ứng xử của các thành viên trong gia đình
Nói về sự biến đổi về ứng xử của các thành viên trong gia đình, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trường đại học văn hóa TP.HCM, theo truyền thống của gia đình Việt Nam, các thành viên trong gia đình có quan hệ ứng xử trên dưới rõ ràng. Con cái tôn trọng và có hiếu với ông bà, bố mẹ, vợ chồng yêu thương chung thủy, con cháu kính trọng ông bà, anh em trong gia đình yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Tuy nhiên, hiện nay dưới sự tác động của sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội đã làm biến đổi mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh nhận thấy, vấn đề đạo hiếu với ông bà, cha mẹ; đạo nghĩa vợ chồng, tình yêu thương anh chị em, kính trên nhường dưới, tình làng nghĩa xóm là chuẩn mực đạo đức gia phong, nhưng hiện nay đã có suy giảm. Quy mô gia đình ngày càng nhỏ, sự tách biệt nơi cư trú của con cái sau khi xây dựng gia đình và sự xuất hiện của các kênh giao tiếp gián tiếp như điện thoại, các mạng xã hội, vậy nên sự liên hệ, chia sẻ giữa các thế hệ càng hạn chế. Đặc biệt là những người cao tuổi trở nên cô đơn trong chính gia đình của mình, có sự xa cách giữa ông bà và con cháu. Mối quan hệ giữa ông bà và con cháu cũng xuất hiện những xung đột do sự khác biệt về nhu cầu sở thích trong cuộc sống, thiếu sự quan tâm chia sẻ, chăm sóc. Con cháu không lắng nghe, tôn trọng sự khuyên bảo của thế hệ cha ông, thậm chí có hiện tượng ngược đãi người lớn tuổi.
Ngoài ra, kết cấu gia đình ở TP.HCM cũng có nhiều biến đổi, con cái không cần ở chung với cha mẹ để báo hiếu, phụng dưỡng mà thông qua dịch vụ trong xã hội như thuê người chăm sóc, hay đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ hơn và có xu hướng giản tiện các nghi lễ, phép tắc trong gia đình. Những nếp sinh hoạt thường ngày đã thể hiện sự giảm sút sự cố kết gia đình, người lớn luôn bận rộn với công việc làm ăn, trẻ con thì bận học, mỗi người mỗi việc nên rất khó có bữa cơm chung gia đình. Sự coi trọng và nuông chiều của cha mẹ ở các gia đình có điều kiện kinh tế đã bao bọc, làm cho con có tính ích kỷ cá nhân, ỷ lại, đua đòi.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh cũng nhận ra sự biến đổi về chức năng gia đình: chức năng xã hội hóa của gia đình thiên về xu hướng giáo dục tri thức, không chú ý coi trọng đến giáo dục nhân cách cho trẻ em. Trẻ em phải đi học thêm, đây là áp lực đối với quá trình phát triển của trẻ. Việc buông lỏng chức năng giáo dục nhân cách của gia đình bằng tình cảm yêu thương, bằng việc nêu gương hàng ngày của cha mẹ rất dễ gây ra hậu quả là con có lối sống, nhân cách lệch lạc, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân, tham gia vào các tệ nạn xã hội. Về chức năng thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình thì có phần suy giảm. Bởi lẽ, ở các đô thị lớn như TP.HCM hiện nay, gia đình không còn là địa chỉ duy nhất thỏa mãn nhu cầu tinh thần nữa, các thành viên có những sự lựa chọn các phương tiện truyền thông giải trí hấp dẫn, mạng xã hội Facebook, Zalo, Internet với nhiều tiện ích khác. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông và công nghệ đã trở thành phương tiện thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình mọi lúc mọi nơi. Cha mẹ không có thời gian cho con cái, trong gia đình các thành viên hạn chế giao tiếp, trao đổi tình cảm, ai cũng dành thời gian dùng điện thoại và mạng xã hội.