Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá dĩa sinh sản

    Với màu sắc đẹp mắt, đa dạng, cá dĩa rất được ưa chuộng ở thị trường cá cảnh Việt Nam và trở thành loại cá cảnh xuất khẩu chính của TP.HCM đi khắp các quốc gia trên thế giới. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi cá dĩa, nhiều người dân đã đầu tư nuôi, vừa thay đổi sản xuất phù hợp với quá trình đô thị hóa nông thôn, vừa gia tăng thu nhập cải thiện đời sống.

    Hiện nay, trên thị trường cá cảnh, cá dĩa được chia làm hai loại, bao gồm cá tự nhiên và cá lai tạo.

    Cá dĩa có rất nhiều loại như cá dĩa đỏ, cá dĩa vàng, cá dĩa hoa văn, cá dĩa xanh – trắng, cá dĩa Albino…

    Tùy theo từng dòng, màu sắc, hoa văn mà mỗi loại cá dĩa sẽ có mức giá khác nhau, loại thấp nhất vài chục ngàn đồng, loại đẹp có thể lên tới vài triệu đồng một con.

    Cá dĩa sinh sản nhiều lần một năm, thời gian sinh sản vào ban đêm, số lượng trứng mỗi lần đẻ không giống nhau, từ vài chục đến vài trăm trứng.

    Trung bình, cá dĩa đẻ khoảng 3 lần trong 2 tháng.

    Khi cá bố mẹ dựa gần giá thể, sẽ liên tục dùng miệng rỉa sạch bề mặt giá thể, đây là dấu hiệu mà người nuôi nhận biết thời gian cá chuẩn bị đẻ.

    Cá mẹ đẻ trứng trên giá thể lần lượt từ dưới lên trên, cứ đẻ xong một hàng, cá bố sẽ theo sau thụ tinh cho trứng. Trứng được thụ tinh có màu vàng nhạt.

    Thông thường sau 60 giờ trứng sẽ nở.

    Sau 72 giờ, cá bột sẽ hấp thụ hoàn toàn chất dinh dưỡng trong túi noãn hoàng. Đồng thời, chúng bám trên cơ thể cá bố mẹ, hút chất dinh dưỡng tiết ra từ cơ thể cá bố mẹ.

    Sau khoảng một tuần, cá bột có thể tách khỏi cơ thể bố mẹ.

    Nhiều hộ thả nuôi cá dĩa trên địa bàn TP.HCM chia sẻ, với mật độ 400 con/m3, quy cách giống 0,5 – 1 cm/con, thức ăn là trùn chỉ, tim bò. Tỷ lệ sống của cá đạt trên 50%, cá đạt kích cỡ 15 g/con (6 – 8 cm/con). Mô hình này đem lại lợi nhuận cho người nông dân hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

    Việc nuôi cá dĩa sinh sản ngày càng trở nên dễ dàng, khi người nuôi có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học – kỹ thuật hiện đại vào quá trình nuôi.

    Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển nghề nuôi cá cảnh. Đặc biệt, tập trung phát triển nâng cao hoạt động nghiên cứu, lai tạo cá cảnh trong Khu nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM để chuyển giao kịp thời những thành quả nghiên cứu tốt nhất đến các cơ sở sản xuất cá cảnh.

    HOÀI AN

    Recommended For You