Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010 đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển hạ tầng mạng viễn thông hiện đại và thị trường viễn thông với đa dạng dịch vụ, đáp ứng đòi hỏi của người sử dụng cũng như nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tổng số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh cả nước tính đến hết quý II/2023 đạt 101,12 triệu, tăng 8,7% và tăng 8,12 triệu so cùng kỳ. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 77,1%, tăng 5,7% so tháng 6/2022.
Xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa đã đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Công nghệ phát triển đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, hạ tầng viễn thông cần được mở rộng thêm các cấu phần mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển là hạ tầng phục vụ kinh tế số, xã hội số; các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng cần thay đổi cách quản lý cho phù hợp để bảo đảm các dịch vụ kết nối, chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, các quy định về quản lý và điều tiết thị trường trong Luật Viễn thông hiện hành cũng chưa có chính sách phát triển các doanh nghiệp mạng viễn thông di động ảo (Mobile Virtual Network Operator-MVNO) để thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc thúc đẩy tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, đồng thời, cũng chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp có hạ tầng mạng trong việc cho thuê hạ tầng, dẫn đến hạ tầng viễn thông đã được đầu tư chưa khai thác hết năng lực.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường mạng viễn thông ảo ở Việt Nam chậm phát triển, các nhóm khách hàng thuộc thị trường ngách không có nhiều cơ hội vươn lên. Hiện Việt Nam mới chỉ có 5 nhà mạng MVNO được cấp phép là iTel, Reddi, Local, Digilife và FPT Retail (FRT), trong khi Đức đã có tới hơn 130 mạng di động ảo, Mỹ có 32 mạng, Pháp 57 mạng và Trung Quốc có hơn 60 mạng,…
Các doanh nghiệp MVNO Việt Nam cũng mới chỉ có khoảng 2,65 triệu thuê bao, chiếm 2,1% trong tổng số gần 130 triệu thuê bao toàn thị trường, trong khi trung bình trên thế giới thị phần thuê bao của MVNO chiếm từ 15 – 20% và đang có dấu hiệu tăng. Theo Fortune Business Insights, dự kiến doanh thu của MVNO toàn cầu đến năm 2028 sẽ đạt khoảng 123,4 tỷ USD.
Vừa qua, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật sẽ gồm 10 chương, 74 điều, được xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
Dự thảo cũng bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số-hạ tầng của nền kinh tế số.
Đánh giá về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) cho rằng, dự thảo đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động và dịch vụ viễn thông truyền thống, nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng thay đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống.
Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát mức độ áp dụng quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong dự thảo luật để vừa bảo đảm có đủ công cụ pháp lý cho quản lý, vừa bảo đảm môi trường thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự án luật sửa đổi đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây,…
Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục nghiên cứu, tính toán hợp lý vì nếu quy định quá chặt sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích phát triển các dịch vụ mới.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dựa trên các ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cân đối giữa quy định cứng nguyên tắc của luật và sự linh hoạt ở tầm nghị định đối với những vấn đề mới, công nghệ mới, dịch vụ mới có sự thay đổi nhanh chóng; cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, bảo đảm quản lý ở mức tối thiểu nhưng thực thi phải thật nghiêm minh cũng như hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà nước và người dân.