Ngày 16/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”.
Số liệu thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, đây là con số tương đối lớn. Toàn hệ thống có 15 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đang hoạt động.
Tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.
Như vậy, có thể thấy, nguồn vốn từ các ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, phục vụ đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thu hẹp một phần quy mô, sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Tuy vậy, dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây tín dụng đen nhưng tín dụng đen vẫn len lỏi trong xã hội, chưa thể xoá bỏ triệt để.
Tính đến hết tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm (giảm 2,5% so với ngày 31/12/2023). Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nguyên nhân tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm chủ yếu là do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu.
Bên cạnh đó, thời gian qua bùng phát các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến ngân hàng.
Tại hội thảo, các chuyên gia ngân hàng cũng cho biết, chất lượng tín dụng cho vay tiêu dùng hiện còn diễn biến theo chiều hướng xấu. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là của các công ty tài chính gặp rất nhiều khó khăn, nhiều công ty lâm vào tình trạng thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao.
Do vậy, các đại biểu kỳ vọng, trong thời gian tới, với việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.
Phân tích thêm về nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ.
Do vậy cần tìm ra giải pháp để giảm bớt loại hình kinh doanh bất hợp pháp đang nở rộ, lấn át công ty tài chính chính thức, thậm chí có hành lang pháp lý, chế tài thế về thu hồi nợ, chế tài đối với những công ty tài chính không chính thức, trá hình.
Dưới góc độ quản lý, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) phân tích: Nên có luật riêng là Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Cục Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương chỉ xử lý được nội dung chung chung, khó phát huy được vai trò trong lĩnh vực này.
Hiện nay, chúng ta đã có luật Bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ người gửi tiền, nhưng dưới góc độ người đi vay chưa có cơ chế cụ thể, đo dó, cần thiết có quy định xử lý mối quan hệ người cung cấp dịch vụ tài chính và người đi vay. Chúng ta mới luật hóa các nguyên tắc căn bản, Thông tư 43 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và Thông tư 18 sửa đổi một số điều của Thông tư 43 (sửa đổi điều chỉnh phù hợp với luật đầu tư, bảo đảm sự thống nhất về luật).
Thông tư 43 mà NHNN ban hành sau khi đã tham khảo nhiều ý kiến cũng như kinh nghiệm nhiều nước, trong dó quy định nguyên tắc, cách công bố thông tin lãi suất minh bạch, khi thu hồi nợ, nhắc nợ, thực hiện cách thức thế nào. Tuy nhiên, đại diện NHNN thừa nhận, vẫn có những hạn chế văn bản pháp luật không cho phép.
“Cần có bộ quy tắc ứng xử không chỉ có thu hồi nợ. Nên chăng có thể các hiệp hội ngành nghề đưa ra thỏa thuận, thực hiện thống nhất, làm lành mạnh thị trường. Người tiêu dùng cần nhận thấy lợi ích rõ ràng, nếu vay ở thị trường chính thức được pháp luật bảo vệ hiệu quả hơn. Làm tài chính dựa trên uy tín tin tưởng lẫn nhau, nếu bảo vệ tốt cả 2 bên cho vay và đi vay, phải có quy định riêng chi tiết hơn về lĩnh vực này”, đại diện NHNN nói.
Có cùng quan điểm, ông Moon Youngso – CEO Công ty TNHH Mua Bán nợ Welcome cho rằng, cần có bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động thu hồi nợ.
“Bộ quy tắc này hướng dẫn các nhân viên, doanh nghiệp, khách hàng thực hiện các giao dịch đạt chuẩn mực xã hội và tuân thủ tốt các quy định pháp luật. Với khách hàng, bảo đảm các biện pháp thu hồi nợ được thực hiện công bằng, minh bạch. Đối với doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu suất thu hồi nợ, bảo đảm mọi hoạt động của DN nằm trong chuẩn mực đạo đức và khuôn khổ pháp luật tốt hơn. Bên cạnh đó, quy tắc ứng xử giúp tạo môi trường kinh doanh hiệu quả, bền vững, an toàn”, ông Moon Youngso góp ý.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp kiện toàn văn bản chính sách phù hợp với đặc thù tài chính tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng và có chính sách đi trước đón đầu; tạo điều kiện cho công ty tài chính được áp dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm theo hướng hiện đại, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, gia tăng khả năng tiếp xúc và trải nghiệm cho khách hàng.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Anh Minh
* Hình bìa: Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ” – Ảnh: VGP/HT