Hội chứng kém hấp thu

Kém hấp thu được xem như là một hội chứng có trong nhiều bệnh đã làm thương tổn quá trình hấp thu.

Các nguyên nhân có thể gặp là do tổn thương của ruột non; viêm nhiễm do vi trùng, ký sinh trùng đường ruột, lao đường ruột; dị tật ruột non; do tác dụng phụ của thuốc, nhất là thuốc kháng sinh; do các bệnh tật khác như cường giáp làm tăng nhu động ruột, nên không đủ thời gian tiêu hóa thức ăn; nhưng thường gặp nhất là do thiếu men tiêu hóa của dạ dày, gan, mật… làm sự tiêu hóa không hoàn thành nên không hấp thu tốt được. Hậu quả của quá trình này có thể dẫn đến kém hấp thu nước, điện giải, các chất dinh dưỡng, các muối mật, sinh tố, các yếu tố vi lượng… nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng do thể trạng suy sụp do thiếu dinh dưỡng, thiếu máu…

Điều trị hội chứng kém hấp thu do thiếu men tiêu hóa bằng 2 cách: chế độ ăn uống và dùng thuốc.

Chế độ ăn đối với bệnh này là hỗ trợ ruột trong việc hàn gắn các tổn thương cũng như làm sạch thành ruột khỏi các chất ứ đọng hoặc chất nhầy dư thừa. Để thực hiện điều này, cần đảm bảo khẩu phần ít chất xơ, chất béo và sữa. Mặt khác, chế độ ăn uống giàu chất lỏng, vitamin và khoáng chất hỗ trợ hiệu quả việc cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe một cách tổng thể. Cụ thể, nên áp dụng chế độ ăn theo nguyên tắc sau trong thời gian ít nhất 30 ngày: Ăn nhiều carbohydrat phức như gạo, bột… Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Ăn nhiều trái cây, đặc biệt là đu đủ tươi và dứa. Ăn cá nướng hoặc hấp 3 lần/tuần. Uống 6 – 8 ly nước lọc, nước trái cây hoặc trà thảo dược mỗi ngày. Việc đảm bảo bổ sung nhiều chất lỏng giữa các bữa ăn sẽ giúp hạn chế lượng thức ăn tồn đọng trong dạ dày. Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bao gồm bơ, bơ thực vật, thức ăn chiên xào, thịt mỡ, dầu ăn, sô cô la… Không tiêu thụ sản phẩm từ sữa và lúa mì, sản phẩm có chứa cafein, sản phẩm thịt và các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt loại có chứa nhiều phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, có thể ăn bổ sung sữa chua loại ít đường, tốt nhất là lên men thủ công tại nhà để tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột. Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Không ăn lượng quá nhiều mỗi bữa vì có thể dẫn đến giảm nhu động và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu của ruột.

Dùng enzym tụy như Pantyrase hoặc Pancricon phối hợp với men vi sinh tiêu hóa như Lactomin ngày 3 lần trong vòng 15 ngày. Bổ sung bằng tiêm hoặc uống vitamin (B12, A, D, E, K) hay một số chất sắt, calci… Dùng thuốc và chế độ ăn như trên trong một tháng mà không thấy hiệu quả thì cần đến bác sĩ đã khám để được nghe tư vấn, tìm hiểu nguyên nhân. Từ đó mới có hướng điều trị đúng mà không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

BS. LÊ TRUNG NGÂN

Recommended For You