Nếu có một kế hoạch cải tạo tốt, đường Lê Lợi sẽ rực rỡ trở lại, trở thành con đường đẹp, sôi động hàng đầu của TPHCM, có thể ví như đường Champs-Élysées ở Paris, đường Số 5 ở New York hay đường Orchard ở Singapore…, thực sự là bộ mặt của trung tâm TPHCM, tạo khí thế mới cho Thành phố.
Cần nâng cấp, chỉnh trang toàn bộ đường Lê Lợi
Đánh giá về phương án làm mái che vỉa hè trên trục đường Lê Lợi (Quận 1) vừa được Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đề xuất UBND Thành phố, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đề xuất là ý tưởng tốt nhưng còn sơ sài. Theo ông, chỉ nói về mái che thôi thì chưa đủ, đường Lê Lợi xứng đáng được đầu tư lớn hơn, bài bản hơn.
Về ý nghĩa, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trục đường Lê Lợi không chỉ là một tuyến đường đơn thuần mà là trục văn hóa, dịch vụ, thương mại quan trọng của khu trung tâm lịch sử của TPHCM. Trên tuyến đường có nhiều công trình lịch sử, bắt đầu từ Nhà hát Thành phố, hai bên là các khách sạn, khu thương mại nổi tiếng như InterContinental Saigon, Rex, thương xá Tắc, Thương xá Eden (không còn), chợ Bến Thành… nối đến đường Trần Hưng Đạo, đi chợ Lớn.
Gần 7 năm trở lại đây, khi TPHCM triển khai xây dựng tuyến metro số 1, để phục vụ công trình, đơn vị thi công đã rào chắn kín toàn bộ tuyến đường nên hầu hết các tòa nhà hai bên đường nhiều năm không thể buôn bán, hoạt động, phải chặt hết cây xanh có bóng mát, hạ tầng xuống cấp.
Hiện trục đường Lê Lợi đang dần được hoàn trả lại mặt bằng và xắp tới đây, tuyến tàu điện đầu tiên của TPHCM chính thức khai trương, đó là “cơ hội vàng” để Thành phố đầu tư nâng cấp, làm đẹp tuyến đường quan trọng này.
Giải thích vì sao trục đường Lê Lợi lại quan trọng và cần đầu tư nâng cấp, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay, metro số 1 có hai ga ngầm quan trọng, đó là ga trung tâm Bến Thành kết nối với các tuyến metro khác trong tương lai và ga Nhà hát Thành phố để đến UBND Thành phố, đường Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố, bến Bạch Đằng… Tới đây, ai đi vào khu vực trung tâm trên metro số 1 đều lên qua hai ga ngầm này và đi bộ trên con đường Lê Lợi. Do đó, đường Lê Lợi sẽ không chỉ là trục quan trọng, bộ mặt của khu trung tâm lịch sử TPHCM mà cũng đồng thời là bộ mặt của tuyến metro số 1, và trục đường này cần được đầu tư nâng cấp toàn diện.
Như vậy, nếu chỉ bàn tới việc làm mái che cho vỉa hè như đề xuất thì đây là phương án thực sự không xứng tầm. Với tuyến đường Lê Lợi, cần phải có một bản thiết kế đô thị và nâng cấp, chỉnh trang toàn bộ con đường.
Cụ thể, việc đầu tiên, chắc chắn phải làm là trồng lại hàng cây bóng mát hai bên, nếu không, con đường chỉ hoàn toàn là bê tông. Tiếp đến, mặt tiền hai bên đường sau bao năm rào chắn, không quan tâm nên hiện rất “nhếch nhác” cần sơn sửa lại cho đẹp, tổ chức lại biển hiệu quảng cáo; trường hợp người dân khó khăn thì Thành phố nên tài trợ. Thứ ba, sửa sang, hoàn chỉnh mặt đường, giải phân cách, vỉa hè, lắp đặt đèn chiếu sáng, đèn giao thông, chỗ đậu xe, ghế ngồi và các tiện ích cho người đi bộ… Cuối cùng mới đến việc làm mái che vỉa hè. Khi làm mái che, do các công trình không có sự đồng đều về kiến trúc, chiều cao…, nên cần lưu ý đến việc hài hòa cho toàn bộ con đường, thậm chí cần phải tổ chức triển lãm để người dân góp ý sau đó mới triển khai.
Phải sớm có quy hoạch không gian ngầm
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa mà nhiều người đang rất quan tâm đó là quy hoạch không gian ngầm dưới tuyến đường Lê Lợi, đoạn nối hai nhà ga hiện như thế nào? Mặc dù chưa thể triển khai thực hiện không gian ngầm nhưng cần phải có quy hoạch, có bản vẽ, để các công trình sẽ xây dựng có thể kết nối với không gian ngầm, tránh việc làm xong trên mặt đất, các công trình hai bên xây rồi mới có quy hoạch và triển khai không gian ngầm phía dưới, gây bất cập, lãng phí.
Thời gian hoàn thành thi công tuyến metro số 1 vào quý IV/2023 và sẽ vận hành sau đó. Do vậy, những công việc trên cần được triển khai sớm, để khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, việc chỉnh trang cũng hoàn thành.
“Nếu có một kế hoạch cải tạo tốt, đường Lê Lợi sẽ rực rỡ trở lại, trở thành con đường đẹp, sôi động hàng đầu của TPHCM, có thể ví như đường Champs-Élysées ở Paris, đường Số 5 ở New York hay đường Orchard ở Singapore…, thực sự là bộ mặt của trung tâm TPHCM, tạo khí thế mới cho Thành phố”, KTS Ngô Viết Nam Sơn kỳ vọng.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Mạnh Hùng
* Hình bìa: Sau nhiều năm rào chắn để thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), hiện đường Lê Lợi đã được nhà thầu tháo dỡ hàng rào, hoàn trả mặt bằng