Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11: Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc từ gia đình

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Thành viên trong gia đình Việt Nam ngay từ bé đã phải học cách đối xử với ông bà, cha mẹ, anh em, chú bác họ hàng, kính trên nhường dưới; vợ chồng tình nghĩa thủy chung, anh em trên thuận dưới hòa. Người trên cũng học cách để đối xử với người dưới sao cho gia đình đầm ấm, hòa thuận…

Trước khi tiếp thu sự giáo dục của xã hội, con người trong những nếp nhà đã được trao truyền tự nhiên qua nếp sống, nếp nghĩ, ý ăn, ý ở, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán từ ông bà, cha mẹ.

Với cái nôi gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn kính biết ơn, thờ cúng tổ tiên, yêu nước thương nòi cũng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhằm phát huy vai trò của gia đình trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đặc biệt, từ 3 năm nay, Liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trở thành ngày hội để các gia đình văn hóa đại diện các dân tộc anh em gặp gỡ trình diễn vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trong trang phục rực rỡ sắc màu của các dân tộc anh em K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông, Kinh, Thái, Tày, Nùng, Dao, H’Mông… những nét đẹp văn hóa được hiện lên đa sắc. Những gia đình nhiều thế hệ chung sống quây quần đầm ấm là những tấm gương sáng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và lưu giữ đầy đủ những nét đẹp văn hóa truyền thống.

*Gia đình ông KLú (Thôn 6, xã Mađaguôi, Đạ Huoai) trên sân khấu của liên hoan

Gia đình bà Liêng Hót Thái Hòa (Thôn 2, Tà Nung, Đà Lạt) không chỉ chấp hành tốt hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, các thế hệ tích cực tham gia mô hình sinh hoạt văn hóa cồng chiêng Làng K’Ho Cil gắn với phát triển du lịch giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách trong và ngoài nước.

Gia đình bà Touneh Ma Tina (thôn Diom A, Lạc Xuân, Đơn Dương) tích cực vận động dòng họ, gia đình từ bỏ hủ tục, tiên phong áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, gìn giữ vệ sinh môi trường, tham gia tái hiện nhiều lễ hội của người Churu, đưa vẻ đẹp dân tộc để nhiều người biết đến.

Gia đình ông K’Beo (Thôn 5, Liên Đầm, Di Linh) là gương sáng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, luôn có ý thức khơi dậy gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, lưu giữ những bài bản cồng chiêng cổ, những bài hát đối đáp, múa xoang trao truyền cho con cháu, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Gia đình ông Đa Cát Ha Tư (thôn Đạ Nhinh, xã Đạ Tông, Đam Rông) là gương sáng trong thi đua lao động phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, vợ chồng hòa thuận, hành phúc, con cái học hành tiến bộ, kế tục, trao truyền những nét đẹp văn hóa của người M’Nông.

Gia đình ông Vũ Văn Thân (thôn Tân Đức, xã Tân Văn) luôn tích cực vận động dòng họ, Nhân dân gìn giữ phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp của người Thái trên quê mới Lâm Hà, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đại gia đình ông được công nhận gia đình văn hóa nhiều năm liên tục.

Gia đình ông Ya Tim (thôn Ma Bó, xã Đạ Quyn, Đức Trọng) tích cực trong lao động sản xuất, trao truyền, dạy dỗ con cháu giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống văn hóa của người Churu.

Gia đình ông K’Đèo (thôn B’Đơ, Lộc An, Bảo Lâm) có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận, luôn gương mẫu đi đầu vận động bà con gìn giữ vệ sinh, tôn tạo cảnh quan buôn làng, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Gia đình ông Dương Kim Chung (thôn Ninh Trung, xã Nam Ninh, Cát Tiên) tích cực tham gia xây dựng Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc H’Mông, giáo dục nuôi dạy con cháu hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi, là gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện.

Tại liên hoan, vẻ đẹp văn hóa dân tộc đã toát lên từ trong mỗi gia đình qua các hoạt động như: Thi chế biến ẩm thực “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, thi thể thao, trò chơi dân gian “Gia đình vui khỏe”, thi hát dân ca và trình diễn trang phục truyền thống.

Những món ăn tiêu biểu đặc sắc của các vùng, miền, các dân tộc, những làn điệu dân ca, những bộ trang phục dân tộc đặc trưng tiêu biểu nhất của các dân tộc anh em đang sinh sống trên quê hương Lâm Đồng.

Hình ảnh các gia đình cả 3 thế hệ ông bà, con, cháu đủ mọi lứa tuổi, giới tính cùng lên sân khấu, hát chung một bài dân ca ngợi ca tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước; cùng phô diễn nét đẹp trang phục dân tộc trong từng bước đi, điệu múa, sống động bằng cả niềm tự hào.

Qua đó thêm khẳng định văn hóa truyền thống dân tộc được bắt nguồn, nuôi dưỡng, bồi đắp trong mỗi tổ ấm gia đình; gia đình là cái nôi sáng tạo, bảo tồn, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc.

Ông Hoàng Mạnh Tiến – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Các hoạt động của liên hoan cho thấy chính gia đình là nơi giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thấm sâu vào mỗi con người. Đó chính là nơi còn đang lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc rất đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Trên sân khấu các thế hệ cùng trình diễn trang phục dân tộc, cùng hát chung một bài dân ca, cùng nấu một bữa ăn ngon với những món ăn truyền thống, như một sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những hình ảnh đẹp đẽ đó khẳng định rằng, văn hóa dân tộc vẫn luôn ấp ủ nuôi dưỡng trong mỗi gia đình. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thì phải bắt đầu từ mỗi gia đình.

Qua 3 lần tổ chức, liên hoan đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc từ trong mỗi gia đình, nâng cao vai trò của gia đình đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

QUỲNH UYỂN

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Recommended For You

Để lại một bình luận