Hiện nay, nông dân trồng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với vấn đề hóc búa là làm sao để giải độc mặn, phục hồi vườn sầu riêng? Họ đang rất hoang mang không biết có nên chuyển đổi sầu riêng sang cây trồng thích ứng với hạn mặn? Trước thiên tai quá khốc liệt, lại thiếu kinh nghiệm xử lý vườn cây nhiễm mặn, rất nhiều nông dân đưa ra quyết định thiếu chính xác, khiến rủi ro càng tăng cao.
Vườn sầu nhiễm mặn,… giọt sầu miên man
Ông Đặng Văn Ngỏ, ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một trong hàng vạn nông dân rơi vào cảnh tận cùng của nỗi đau khi phải chứng kiến toàn bộ vườn sầu riêng 50 cây bị cháy, rụng lá, khô nhánh chết hoàn toàn không thể cứu chữa.
Xót nhất là cây trên 20 năm tuổi, cho thu nhập trên 300 – 400 triệu đồng/năm nhưng lại bị “chết bất đắc kỳ tử”. Dù trước đó, ông đã đổ tiền (10 triệu đồng) mua nước với giá 150.000 đồng/m3 để cứu vườn cây, nhưng đành nhìn cây chết thảm.
Ông Ngỏ bày tỏ: “Tôi cho rằng, mua phải nước nhiễm mặn, tưởng cứu được cây, ai ngờ cây chết còn nhanh hơn”. Trước đó, ông đã đầu tư vài chục triệu đồng/năm để chăm sóc vườn, nhưng hạn mặn đến quá nhanh, trái bị chín héo, cơm bị lạt, nhão nên bán ra với giá bèo, năm nay số tiền thu được từ bán trái chỉvừa đủtrảtiền nước tưới. Rơi vào tình cảnh vườn sầu riêng bị nhiễm mặn mà chưa biết hướng xử lý thế nào, ông Ngỏ bày tỏ: “Sầu riêng chết hết, giờ nghèo mạt tới rồi. Chưa biết trồng cây gì, trước mắt, tôi chờ cây khô, đốn đi. Tôi đề nghị ngành chuyên môn hướng dẫn chuyển đổi cây trồng thích hợp”.
Không riêng hộ ông Ngỏ, anh Võ Đặng Hồng Quân (ngụ cùng ấp với ông Ngỏ) cũng điêu đứng vì vườn sầu riêng chết trên 30% diện tích (chết 50/150 cây). Ngoài ra, có 30 cây bị hiện tượng cháy, rụng lá, chưa biết chết lúc nào và có khảnăng hồi phục hay không? Số cây còn lại bị nhiễm mặn, đang kiệt sức.
Quá nóng lòng vì cây chết, ông Quân đốn gốc và trồng 10 cây sầu riêng khác để thay thế, thế nhưng cây cũng không thể sinh tồn trên đất nhiễm mặn, héo rủchết hết.
Với những cây có thể khôi phục, theo ông Quân, tốn chi phí đầu tư rất cao, khoảng 150 ngàn đồng/cây. Không để vườn chết, tiếp tục thiệt hại, ông Quân dự định sẽ phục hồi dần vườn sầu riêng còn lại.
Éo le hơn, hộ ông Võ Văn Tiền (ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy) có 150 gốc sầu riêng 8 năm tuổi và 5 tháng tuổi bị chết sạch vì hạn mặn. Trước khi chết, nó chỉcho thu một vụ 150 triệu đồng và tiêu tốn không ít tiền của cứu vườn cây của chủ nhân.
Nhận định vùng đất nhiễm mặn không còn phù hợp để trồng sầu riêng nên ông Võ Văn Tiền đã chặt bỏ toàn bộ 150 cây, chừa lại gốc cao chưa đến một mét theo khuyến cáo của UBND thị xã Cai Lậy để chờ thống kê thiệt hại. Trên đất này ông Tiền đã xử lý mặn bằng thuốc và rải phân để chuyển sang cây trồng chịu mặn là bưởi và mít.
Mỏi mòn chờ “thuốc giải”
Làm việc với ông Trần Lý Ngự Bình, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang về biện pháp hỗ trợ nhân dân chăm sóc phục hồi vườn sầu riêng và định hướng phát triển sầu riêng, được biết, các xã phía nam Quốc lộ 1 là nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất huyện với trên 10 ngàn ha (và cũng lớn nhất tỉnh Tiền Giang), trong đó, cho trái ổn định khoảng 9.000 ha.
Hạn mặn năm 2020, tất cả10 xã phía nam Quốc lộ 1 (trồng sầu riêng) đều bị ảnh hưởng xâm nhập mặn với mức độ khác nhau. Qua thống kê thiệt hại do hạn mặn (chưa chính thức), huyện Cai Lậy có từ 300 – 400 ha sầu riêng bị chết hẳn (100%). Các diện tích còn lại đang có hiện tượng suy kiệt, chưa biết có phục hồi được hay không? Để cứu nguy cho vườn sầu riêng, huyện Cai Lậy đã có giải pháp cung cấp nước tưới khẩn cấp bằng hình thức vận chuyển nước từ Cái Bè đến điểm tập trung.
Trảlời thắc mắc của người dân “Vì sao sử dụng nước ngọt mua từ các nhà cung cấp, tưới cây thì cây chết hết”, ông Trần Lý Ngự Bình cho rằng: “Trong thời điểm gay gắt nhất của hạn mặn không phát hiện sầu riêng bị chết. Tuy nhiên, khi có mưa và có nước ngọt để tưới thì phát sinh chết nhiều.
Theo tôi, cây sầu riêng đã nhiễm hạn mặn và đang rất nóng, gặp nước vô bị chết, gọi là hiện tượng sốc nước. Hiện tượng chết cây đã được ngành chuyên môn xuống điều tra, lấy mẫu nhưng chưa tìm được nguyên nhân”.
Với những vườn cây kiệt sức, cần chăm sóc phục hồi, theo ông Bình, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã đề nghị UBND huyện Cai Lậy tìm nhà khoa học, viện trường tập huấn tái thiết lại vườn cây, phục hồi cây có dấu hiệu suy kiệt. Đồng thời, nghiên cứu giống sầu riêng, loại cây trồng chịu hạn mặn cao, để đưa vào trồng thay thế giống hiện tại.
Trước tình trạng người dân đốn bỏ cây sầu riêng để chuyển đổi cây trồng chịu hạn, ông Bình cho biết, đây là lần thiệt hại đầu tiên trong lịch sử, chưa có đánh giá cụ thể, nên huyện Cai Lậy chưa có chủtrương chuyển đổi từ sầu riêng sang cây trồng khác và cũng chưa thể đưa ra khuyến cáo nông dân nên làm gì trong lúc này.
Bài và ảnh: VỸ PHƯỢNG
* Hình chụp phóng viên trò chuyện với nông dân bên vườn sầu riêng trơ gốc.