Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thực hiện dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh là giải pháp cơ bản để nâng cao miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, chống lại sự xâm nhập của virus và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã tự mua và sử dụng vitamin C, đặc biệt là vitamin C liều cao nhằm mục đích phòng, dịch Covid-19. Việc đó, có thực sự đúng hay không?
Vitamin C có tên khoa học là acid ascorbic, nó tham gia vào quá trình tạo kẹo (hình thành collagen), tổng hợp carnitin, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, hoạt hóa hormon, khử độc, là chất chống oxy hóa, giúp hấp thu và sử dụng sắt, calci và acid folic.
Ngoài ra, vitamin C còn có chức năng chống lại dị ứng, kích thích tạo dịch mật và giải phóng các hormon steroid.
Vitamin C cần cho chuyển đổi thành acid mật, liên quan đến giải độc.
Vai trò tăng cường chức năng miễn dịch, cần thiết cho các tế bào miễn dịch T và bạch cầu.
Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp.
Nếu ăn đủ vitamin C, các glubulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể.
Rau quả là nguồn cung cấp vitamin C và caroten cho cơ thể, rau còn cung cấp các chất khoáng có tính kiềm như kali, calci, magnesium.
Hoa quả tươi và rau lá là nguồn cung cấp rất giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, xoài, đu đủ, nhãn, hành lá, cà chua, cải xanh, mồng tơi, rau ngót, dền…
Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam năm 2017, hàm lượng vitamin C có trong 100 g thực phẩm ăn được như sau: cam 40 mg, quýt 55 mg, chanh 77 mg, bưởi 95 mg, trái kiwi 92,7 g, xoài chín 30 mg, đu đủ 54 mg, nhãn 58 mg, hành lá 60 mg, cần tây 150 mg, cà chua 40 mg, cải xanh 51 mg, mồng tơi 72 mg, rau ngót 53 mg, rau dền đỏ 89 mg… Hơn 90% lượng vitamin C có trong khẩu phần ăn được cung cấp từ các loại trái cây và rau củ.
Nhu cầu về vitamin C: trẻ từ 6 – 11 tháng là 25 – 30 mg/ngày, trẻ từ 1 – 6 tuổi là 30 mg/ngày, trẻ từ 7 – 9 tuổi là 35 mg/ngày, vị thành niên 10 – 18 tuổi là 65 mg/ngày, người trưởng thành là 70 mg/ngày, phụ nữ có thai là 80 mg/ngày, bà mẹ cho con bú là 95 mg/ngày.
Việc ăn rau quả hàng ngày vô cùng quan trọng đối với sức khỏe. Nên ăn phối hợp nhiều loại rau quả để có đủ các loại vitamin và chất khoáng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa và hấp thu các thành phần dinh dưỡng khác.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ rau quả là từ 400 – 600 g/ngày/người trưởng thành (rau xanh 300 – 400 g, trái chín 100 – 200 g/người/ngày), với trẻ em cần lượng từ 100 – 200 g/ trẻ/ngày.
Hàng ngày, cơ thể ăn đủ nhu cầu rau xanh và hoa quả chín không cần bổ sung thêm vitamin C.
Vì vậy, người tiêu dùng không cần thiết phải uống vitamin C, đặc biệt là vitamin C liều cao để phòng dịch Covid-19. Nếu cơ thể tiêu hóa và hấp thu kém, có thể bổ sung vitamin C, khi bổ sung vitamin C theo liều lượng và thời gian sử dụng phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Vitamin C là loại tan trong nước, nếu thừa vitamin C cơ thể sẽ tự đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu.
Tóm lại: thiếu vitamin C khi cơ thể hấp thu được dưới 10 mg/ ngày, kéo dài trong nhiều tuần. Những người có nguy cơ thiếu vitamin C gồm: người hút thuốc lá và những người tiếp xúc với khói thuốc lá, những người ăn uống không đầy đủ: nghiện rượu, người cao tuổi, một số người mắc bệnh như: kém hấp thu đường ruột, các bệnh thận ảnh hưởng hấp thu và sử dụng vitamin C. Vì vitamin C là vitamin tan trong nước, nó sẽ tự thải ra ngoài nếu thừa vitamin C. Mặc dù vậy, nếu sử dụng vitamin C khoảng 1.000 mg/ngày thường xuyên có thể dẫn đến: buồn nôn, tiêu chảy, tăng nguy cơ sỏi thận…