Ðây là những bức tranh dân gian tiêu biểu cho nền mỹ thuật cổ truyền của Việt Nam. Mỗi bức tranh tượng trưng cho một câu chuyện hay một biểu tượng dân gian. Tranh được vẽ trên một loại giấy chế tạo bằng tay và mực là màu sắc thực, lấy từ cây cỏ và vật liệu tự nhiên. Xưa những bức tranh này được trưng bày trong những ngày Tết.
Trạng Chuột ơn vua cưới vợ làng
Kiệu son lộng lẫy lọng hoa vàng!
Nàng dâu xứ chuột chân đi đất
Ngón nhỏ bùn non vẫn dính chân!
Tranh Dân gian Đông Hồ xưa kia có những đề tài gần như riêng về chủng loại. Về sau các dòng tranh có giao thoa với nhau, nên có mở rộng thêm. Các loại như:
Đề tài Lịch sử: thường gắn với các nhân vật như các tranh: Hai bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, Trần Hưng Đạo chiến thắng quân Nguyên…
Đề tài sinh hoạt như các tranh: Đấu vật, Đánh đu, Hội làng, Hứng dừa, Đánh ghen, Chăn trâu – thổi sáo, Chăn trâu – thả diều…
Các tích văn học, hoặc dân gian: Kiều, Thạch Sanh, hoặc 4 tố nữ với Cầm, Kỳ, Thi, Hoạ…
Đặc biệt nổi bật là tranh các con vật như: các tranh Lợn: Lợn đàn, Lợn độc, Lợn ăn cây dáy. Các Tranh Gà: Gà đàn, Gà -Đại cát, Gà -Thư hùng, Gà trống – nghinh xuân. Tranh các con vật khác như: Vịt, Trâu, Mèo, Rồng – Rước Rồng, Hổ – Ngũ Hổ, Chuột, Cá, Cóc.
Đề tài tứ quý: Mai – Hạc (mùa Xuân), Phù dung – Chim Trĩ (mùa Hạ), Ngô Đồng – Chim Phượng (mùa Thu), Tùng – Chim Công (mùa Đông).
Con vật khi là đề tài riêng, hoặc khi được nghệ nhân sáng tạo em bé với gia cầm như bức Vinh hoa, Phúc Lộc song toàn với (em bé ôm gà trống), (em bé ôm rùa), (em bé ôm cá)… Hoặc đưa con vật vào tranh với lối ẩn dụ nhằm phản ánh nội dung xã hội con người như các tranh: Đám cưới chuột, Thày đồ Cóc…
Tranh in cũng thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán đó là: hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê như gà trống, trâu, rồng và cá là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh.
Chúng ta có thể thấy những bình luận về xã hội phong kiến qua các hình tượng tranh Đông Hồ. Bức tranh nổi tiếng “đám cưới chuột” là sự thể hiện tài tình các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc.
Tranh làng Ðông Hồ không phải vẽ theo cảm hứng nghệ thuật mà người dùng ta dùng ván để in. Ðể có những bản khắc đạt đến trình độ tinh xảo phải có người vẽ mẫu. Những người vẽ mẫu và bản khắc ván đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, đặc biệt phải có trình độ kỹ thuật cao. Công đoạn in tranh có lẽ không khó lắm bởi lẽ ai cũng có thể phết màu lên ván rồi in.
Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại.
Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.
Dưới đây là một số bức tranh dân gian:
Nguồn: soxaydung.bacninh