Nhận biết ‘sản phẩm hữu cơ’ dựa trên nguồn gốc, tem mác

    Sản phẩm hữu cơ trên thị trường hiện rất đa dạng về mẫu mã, chất lượng, gồm cả hàng nhập khẩu và nội địa. Do đó, để lựa chọn đúng sản phẩm hữu cơ, cách nhận biết tốt nhất là qua nhãn dán, mã code… trên sản phẩm.

    Thực phẩm hữu cơ (organic) là các sản phẩm của phương thức canh tác hữu cơ, trong đó, quá trình nuôi, trồng, chế biến được quản lý chặt chẽ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cũng như các chất phụ gia trong chăn nuôi hay hạt giống biến đổi gen…

    Nông nghiệp hữu cơ nói chung luôn hướng đến nuôi trồng thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học. Với những đặc điểm này, thực phẩm hữu cơ rất an toàn cho người sử dụng.

    Để lựa chọn sản phẩm hữu cơ, cách tốt nhất là qua nhãn dán trên sản phẩm. Vì chỉ những thực phẩm hữu cơ được dán nhãn của những cơ quan uy tín mới được coi là thực phẩm hữu cơ chuẩn như: USDA (Bộ nông nghiệp Mỹ), BIO nach (châu Âu), Bộ nông nghiệp Australia, JAS (Bộ nông nghiệp Nhật Bản), Eco Sert của Indonesia, PGS của Việt Nam…

    Trong đó, sản phẩm hữu cơ do Bộ nông nghiệp Mỹ công nhận, cho phép nhiều nhãn hàng hữu cơ với chất lượng khác nhau.

    Theo đó, với nhãn hàng 100% hữu cơ, chứng nhận cho sản phẩm được sản xuất và chế biến chỉ bằng các phương pháp và thành phần hữu cơ đã được chấp nhận. Loại nhãn này thường được sử dụng trên các sản phẩm có một thành phần duy nhất như trái cây hoặc trứng.

    Với sản phẩm hữu cơ chứa ít nhất 90% các thành phần hữu cơ, chứng nhận cho sản phẩm được làm từ các sản phẩm hữu cơ bao gồm ít nhất 75% thành phần hữu cơ. Một vài nhãn khác thường gặp là: tự nhiên, bền vững và được nuôi bằng cỏ.

    Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic của Mỹ sẽ được gắn nhãn “Certified Organic Foods” hoặc có dấu xác nhận tiêu chuẩn: USDA – NOP, EC.

    Ngoài phân biệt bằng dán nhãn, mã code cũng có thể giúp xác định được nguồn gốc thực phẩm. Chẳng hạn, đối với các mã code PLU (tem nhãn trên các loại trái cây) được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm (International Federation for Produce Standards – IFPS) – nó công nhận tất cả sản phẩm trái cây lưu thông trên toàn thế giới.

    Cụ thể, tem có 4 chữ số, bắt đầu bằng số 4 là ký hiệu của trái cây được trồng bằng công nghệ thông thường, nghĩa là có sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón vô cơ… theo liều lượng đúng quy chuẩn.

    Tem có 5 chữ số, bắt đầu bằng số 8 là trái cây biến đổi gen (Genetically Modified food), gọi tắt là GM.

    Tem có 5 chữ số, bắt đầu bằng số 9 là trái cây hữu cơ được trồng theo cách truyền thống mà không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nào, không biến đổi gen.

    PHÚC TẦN

    Recommended For You