Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, giai đoạn 2011 – 2021 trên địa bàn TP.HCM, mặc dù trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực lớn và quyết tâm thực hiện của các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân, chính sách đã đạt được nhiều kết quả đáng mong đợi.
Giai đoạn 2011 – 2021, Thành phố đã ban hành quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo các Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/2/2016 và hiện nay là Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, trong hơn 10 năm triển khai chính sách, các quận, huyện đã phê duyệt 8.504 quyết định với 24.611 lượt vay, tổng vốn đầu tư là 13.847.771 triệu đồng và tổng vốn vay là 8.403.278 triệu đồng. Trong đó, bình quân vốn đầu tư 562 triệu đồng/hộ/phương án và vốn vay có hỗ trợ lãi vay 341 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn. Với các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay đã tạo việc làm cho khoảng khoảng 61.180 lao động, trong đó có 6.317 lao động là đối tượng hộ nghèo.
Chính sách được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, có hiệu quả đến bà con nông dân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Báo cáo tổng kết cho thấy, quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm tăng dần. Đặc biệt từ năm 2018 – 2020, bình quân vốn đầu tư 1.368 triệu đồng/hộ/phương án cao hơn 2,43 lần bình quân giai đoạn từ 2011 – 2019 (562 triệu đồng/hộ/phương án) và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 805 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn, cao hơn 2,36 lần so với bình quân giai đoạn từ 2011 – 2019 (341 triệu đồng/hộ/phương án).
Cùng với đó, dù diện tích đất nông nghiệp giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, giá trị sản xuất vẫn tăng cao, đi đúng hướng phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố. Năm 2018, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm 20.005 ha so với năm 2008, nhưng GRDP ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 8.145.7 tỷ đồng, tăng 5.38 % so với cùng kỳ, bình quân giai đoạn năm 2008 – 2018 tăng 4.92%/năm, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 18.808 tỷ đồng tăng 5,42% so với cùng kỳ, giai đoạn 2008 – 2018 tăng bình quân 4,92%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid nên GRDP ngành nông nghiệp đạt 10.167 tỷ đồng, tăng 2,06% so cùng kỳ.
Đa phần các phương án vay vốn của người dân, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: tôm nước lợ, heo, bò sữa, hoa lan cây kiểng, rau an toàn, cả cảnh (chiếm khoảng 79% tổng số phương án vay vốn được hỗ trợ lãi vay). Đồng thời, nội dung các phương án đều có nội dung đầu tư ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ bản chiếm khoảng 45% so với toàn phương án vay vốn được hỗ trợ lãi vay.
Qua công tác kiểm tra thực tế việc triển khai các phương án được hỗ trợ, cho thấy chính sách góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, như: cá Koi kiểng đạt lợi nhuận trung bình 50% (doanh thu bình quân đạt từ 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan mokara đạt lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm), tôm đạt lợi nhuận trung bình 30% doanh thu (doanh thu bình quân đạt từ 1,6 – 3 tỷ đồng/ha/vụ), hoa mai đạt lợi nhuận trung bình 50% doanh thu (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm).
Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách đến với người dân, doanh nghiệp ở một số địa phương vùng ven còn chậm (huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 9, 12, Gò Vấp). Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa cao, số hộ sản xuất nông nghiệp giảm mạnh. Số lượng người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay theo chính sách nhiều, nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức cho vay, do không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến các hoạt động tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã hạn chế mở rộng đầu tư sản xuất.
Tựu chung lại, qua hơn 10 năm thực hiện chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, giai đoạn 2011 – 2021 trên địa bàn TP.HCM, chương trình đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư trong nông nghiệp, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
HOÀI AN
Ảnh chụp trồng dưa lưới tại Hóc Môn.