Phục hồi chức năng tòan diện cho người bệnh sau tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi do tắc hoặc vỡ mạch máu não. Khi thiếu máu lên não, các tế bào não sẽ ngưng hoạt động và sẽ chết đi trong vài phút. Hậu quả là các vùng cơ thể do phần não đó điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê, mất cảm giác nửa người, không nói được hoặc hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động, khó hoà nhập cuộc sống bình thường.

Để hạn chế những di chứng cho bệnh nhân tai biến mạch mãu não trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng – Khoa phục hồi chức năng – Bệnh viện C Đà Nẵng đã hoàn thành việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu hiệu quả phục hồi chức năng tòan diện cho người bệnh sau tai biến mạch máu não tại thành phố Đà Nẵng”.

Qua theo dõi và điều trị 200 bệnh nhân từ lứa tuổi 18 trở lên có bị tai biến mạch máu não cho thấy bệnh nhân nam bị tai biến mạch máu não nhiều hơn nữ, số bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ 77% và bệnh nhân sống ở thành phố chiếm tỷ lệ 94,1%. Tỷ lệ nhóm bệnh nhân nhồi máu não cao gấp 3 lần xuất huyết não. Nguy cơ chính dẫn đến tai biến mạch máu não chính là sự tăng huyết áp, tỷ lệ người đái tháo đường bị tai biến mạch máu não cũng chiếm tỷ lệ 16,8%, tỷ lệ bệnh tim và rối loạn Lipid ở những bệnh nhân tai biến mạch máu não là 20,8 và 13,4%. Tỷ lệ bệnh nhân có rượu bia và hút thuốc lá tỷ lệ tương ứng là 33,7% và 10,9%.

Các bệnh nhân tai biến mạch mãu não được điều trị, tập luyện theo một chương trình phục hồi chức năng tòan diện như vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu tại bệnh viện và giám sát chương trình tại nhà do các bác sĩ, kỹ thuật viên có kinh nghiệm đã cho kết quả khả quan. Đa số bệnh nhân hồi phục ở những mức độ khác nhau và phụ thuộc vào các yếu tố, việc tập luyện phục hồi chức năng giúp cho tái tổ chức não của bệnh nhân và việc tập luyện chức năng làm giảm đáng kể các thương tật thứ phát sau tai biến mạch mãu não.

Tập luyện phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân tai biến mạch máu não sẽ đem lại hiệu quả phục hồi tốt hơn với các bệnh nhân tập luyện muộn. Việc sử dụng kỹ thuật vị thế đúng kết hợp việc tập vận động thường xuyên nửa người bên liệt mỗi ngày từ hai đến ba lần, sau đó tùy theo sự tiến triển của bệnh nhân để ứng dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng cho phù hợp sẽ giúp cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau một năm bị tai biến.

Qua nghiên cứu tác giả đề tài đã đề xuất một số ý kiến cho việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não như:

-Phổ biến rộng rãi các phương pháp tập luyện phục hồi chức năng tòan diện bao gồm vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, đặc biệt là kiểm sóat trầm cảm , chế độ dinh dưỡng, và kiểm sóat yếu tố nguy cơ trong các khoa phục hồi chức năng, chương trình phục hồi chức năng tại nhà và cộng đồng.

-Tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng phòng tránh các nguy cơ gây ra tai biến mạc máu não.

-Khuyến khích gia đình tham gia tích cực vào quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân, giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để nhân ra những cản trở trong quá trình phục hồi như nuốt khó, suy giảm nhận thức, trầm cảm…

-Triển khai chương trình rèn luyện thể thao và động viên bệnh nhân tham gia các hoạt động thể lực, thư giãn nhằm duy trì độc lập chức năng và nâng cao chất lượng sống sau tai biến mạch máu não.

-Tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến càng sớm càng có hiệu quả.

Bích Liên
(Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng)

Recommended For You