Quy tắc chế biến món ăn cho bệnh gout

Mục tiêu trong dinh dưỡng trị liệu là hạn chế những đợt gout cấp bằng cách ăn ít chất đạm và thực phẩm có chứa nhiều nhân purin để giảm được sự tổng hợp acid uric và giảm được gánh nặng cho thận về đào thải acid uric. Gia tăng bài xuất acid uric qua thận bằng cách uống nhiều nước. Gia tăng sức đề kháng trong cơ thể, kích thích hoạt động của tế bào bạch huyết bằng các loại vitamin.

Theo hướng dẫn của KS. Lương Thị Ngọc Hà (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM), chế độ ăn trong bệnh gout cần tuân thủ:

Năng lượng: 30 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày. Dùng chế độ ăn hạn chế năng lượng khi bị thừa cân béo phì.

Protid: 0,8 – 1 g/kg cân nặng lý tưởng/ngày.

Lipid: 20 – 25% tổng năng lượng. Trong đó 40% béo từ động vật (thịt, trứng, sữa), 10% béo từ cá, 50% béo từ dầu thực vật.

– Cung cấp đầy đủ các vitamin:

+ Folic acid: ngăn ngừa biến đổi purin thành uric acid. Folic acid có nhiều trong các loại rau có lá, nấm tươi.

+ Vitamin PP (niacin): tăng cường bài tiết acid uric ra ngoài. Vitamin PP (niacin) có nhiều trong đậu phộng, thịt bò, thịt gà, trứng.

+ Vitamin A: góp phần chống viêm gout. Thực phẩm chứa nhiều vitamin A: trứng, bơ và các loại rau củ chứa tiền vitamin A, đặc biệt các loại có màu xanh và màu vàng.

+ Vitamin C (acid ascorbic): tăng cường bài tiết uric acid ra ngoài. Nên ăn các loại trái cây ngọt (nhãn, đủ đủ chín, sầu riêng, mãng cầu, vải).

Nước uống: 2 lít/ngày.

Tiêu chí lựa chọn thực phẩm

* Chọn thực phẩm không hoặc chứa ít nhân purin:

Thực phẩm không chứa nhân purin hoặc ít gồm: sữa đậu nành, trứng gà, sữa, phomai đã xử lý, bánh mì, khoai tây, gạo, rau xanh.

Thực phẩm có chứa purin ở mức vừa phải:

Ưu tiên 1: lươn, bò filê, bò đùi, cua biển, thịt heo filê, thịt heo đùi, thịt gà đùi.

Ưu tiên 2: cánh gà, cá ngừ, mực, tôm, đậu nành.

Tránh các thực phẩm có chứa nhiều nhân purin: óc, thận, nước luộc thịt, măng tây, sò, nấm khô, gan gà, gan heo, gan bò.

* Hạn chế các thức uống có khả năng gây đợt gout cấp và gout mạn:

– Rượu, thức uống có rượu: giảm bài xuất acid uric qua thận.

– Bia: có một số loại chứa nhân purin.

– Cà phê, trà: cafein là một trimethylxanthin khi bị oxy hóa (men xanthin oxydase sẽ tạo thành methyl acid uric).

Cần lưu ý gì khi chế biến món ăn?

– Nên nấu thực phẩm giàu đạm trong nước, không ăn nước.

– Hạn chế chế biến và ăn những món ăn có nước lèo: nước phở, bún, hủ tiếu, nước luộc thịt…

– Không chế biến các món xúp.

– Hạn chế nấu các món canh chua: canh cá lóc chua bạc hà.

– Hạn chế nấu những món ăn sử dụng rượu hoặc bia, trà: tôm hấp bia, bò nấu vang đỏ, cá kho trà xanh…

Thực đơn mẫu

– Năng lượng hàng ngày: 1.700 kcal.

– Đạm: 55 g/ngày = 220 kcal = 13% tổng năng lượng. Sử dụng nguồn đạm từ trứng, sữa, đậu phộng, phomát.

– Chất béo: 45 g/ngày = 24% tổng năng lượng cả ngày, sử dụng dầu ăn.

– Tinh bột: 63% tổng năng lượng tương đương 267 g bột đường, sử dụng gạo, khoai, đường, không dùng bánh ngọt, mì.

– Rau quả: không dùng quả chua, đậu đỏ.

– Nước: 2 lít/ngày (có thể uống nước chứa bicarbonat), loại bỏ rượu, bia, cà phê, nước trà.

QUỐC HUY

Recommended For You