Quy trình xử lý rác thải hữu cơ hiện đại

    Nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Hậu, Nguyễn Phạm Hồng Đào, Võ Dương Lan Anh Nguyễn Thiện Mỹ, Trần Thị Minh Thư (sinh viên Khoa công nghệ sinh học – vi sinh vật học của Trường ĐH Cần Thơ), bước đầu đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý rác thải hữu cơ hiện đại.

    Xuất phát thực tế hiện nay, các phương thức xử lý chất thải vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn mà còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Ngoài ra, các hợp chất hữu cơ còn là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển, giải phóng các khí mùi khó chịu như H2S hay NH3 và vi sinh vật gây bệnh phát triển, từ đó ảnh hưởng sức khỏe con người.

    Có một công nghệ tiên tiến hơn là xử lý bằng các lò đốt nhưng phương pháp này lại gây ra vấn nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên và khí đốt thải ra chưa được xử lý đúng. Ngay cả các nhà máy đầu tư nước ngoài vừa đi vào hoạt động tại Thốt Nốt (Cần Thơ) tuy đã xử lý được khí thải, không sử dụng nguyên liệu hóa thạch để tạo nguồn nhiệt thì vẫn tạo ra một lượng khổng lồ tro gây nguy hại môi trường đến từ nguồn rác hỗn tạp chưa được phân loại.

    Kết quả khảo sát ban đầu của nhóm thực hiện trên địa bàn thành phố Cần Thơ cho thấy, tại các chợ, vựa rau củ thì phần lớn rác thải hữu cơ là chất xơ (cellulose); còn tại các quán ăn, rác thải hữu cơ, đạm và tinh bột chiếm ưu thế. Bình quân mỗi ngày, thành phố Cần Thơ thu gom và xử lý khoảng 650 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó phần lớn là chất hữu cơ và đang ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý do không phân loại với rác nhựa, vô cơ.

    Hiện tại, việc phân loại rác đang là rào cản lớn nhất cho quá trình xử lý chất thải. Trước khi có thể kỳ vọng vào sự ý thức của toàn dân, bản thân các cơ quan ban ngành, các tổ chức đoàn thể phải thực hiện đồng loạt và chỉn chu. Trước những trăn trở ấy, nhóm mong muốn ứng dụng kiến thức mình đã học được, nhờ sự giúp đỡ của trường, biến rác thải thành lợi nhuận.

    Mô hình nghiền và trộn rác.

    Nhóm đã đề xuất thực hiện dự án “Quy trình xử lý rác thải hữu cơ hiện đại” nhằm nâng cao ý thức phân loại rác và sử dụng nguồn rác thải hữu cơ phân loại được của căn tin, các quán ăn và ký túc xá ngay trong khuôn viên trường để xử lý tạo phân bón hữu cơ phục vụ nhu cầu rau sạch tại nhà, vườn hữu cơ, nông nghiệp không hóa chất cho người dân và Trường ĐH Cần Thơ.

    Đại diện nhóm tác giả, Nguyễn Hoàng Hậu cho biết, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được thực nghiệm tại trường, dự án đã bố trí các thùng rác phân loại trong khuôn viên và các căn tin trong trường sau đó thu gom lại cùng với lá khô để tiến hành đưa vào quy trình xử lý tạo phân bón cung cấp cho cây trồng trong khuôn viên trường.

    Sau khi thành công tại trường, nhóm tiến hành giai đoạn 2 là liên hệ với các công ty chế biến thực phẩm để ký hợp đồng xử lý rác. Từ đây, dự án đã thu lợi nhuận từ việc xử lý. Bên cạnh đó, thành phẩm sau xử lý được bán ra thị trường tiếp tục thu lợi nhuận.

    Quy trình xử lý được tóm tắt như sau: các vi sinh vật xử lý là các vi sinh vật được phân lập và tuyển chọn từ các nguồn rác thải hữu cơ tại các chợ quán ăn và hộ gia đình. Rác khi thu về tiến hành cho vào hệ thống máy xử lý nghiền nát và bắt đầu quy trình ủ phân.

    Hệ thống máy móc và thiết bị (hợp tác với khoa công nghệ) để sản xuất theo quy trình tự động, thực hiện từ giai đoạn nghiền tới ủ phân. Sản phẩm thu được gồm chế phẩm sinh học và phân hữu cơ.

    Dự án được thực hiện dựa trên nghiên cứu khoa học của nhóm tại Trường ĐH Cần Thơ. Các dòng vi khuẩn được nhóm tự phân lập và phối trộn theo tỉ lệ tương thích với tỉ lệ thành phần của rác thải, thời gian từ rác cho đến thành phẩm là từ 30 – 45 ngày. Nếu so với các quy trình tương tự thì quy trình của dự án có thời gian phân hủy nhanh hơn. Lượng vi sinh vật bổ sung tùy theo loại rác nên hiệu suất rất cao.

    Đánh giá về tính ứng dụng của dự án, Hậu cho biết, dự án là một yêu cầu cấp thiết của xã hội khi đã giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải hữu cơ, nâng cao ý thức xã hội về việc xử lý rác, giảm chi phí, cũng như tạo lợi nhuận. Đây là một quy trình dễ xây dựng, chi phí thấp, không yêu cầu kỹ thuật cao. Quy mô xây dựng tùy vào nguồn nguyên liệu, có thể xây dựng tại hộ gia đình. Giúp giải quyết vấn đề phân loại và xử lý an toàn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình ứng dụng nông nghiệp đô thị.

    Về mặt kinh tế, dự án thực hiện tạo lợi nhuận từ rác thải: từ hợp đồng xử lý rác thải cho đến lợi nhuận từ việc bán phân bón. Dự án thực hiện chỉ tốn chi phí đầu tư ban đầu về máy móc trang thiết bị và nhà xưởng, không tốn chi phí nguyên liệu.

    Hiện tại, dự án chỉ mới thực hiện ở quy mô nhà lưới và phòng thí nghiệm, hướng nghiên cứu tiếp theo là nhóm đang chuẩn bị sản phẩm thử nghiệm (demo) tại trường, cũng như thực hiện thêm các nghiên cứu về các chủng vi sinh vật phân hủy rác thải cụ thể để phù hợp với các doanh nghiệp.

    Dự án đã đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp trong nền kinh tế số 2019” tại Trường ĐH Cần Thơ, giải khuyến khích cuộc thi “Câu lạc bộ khởi nghiệp 2019” tại TP.HCM.

    TUYẾT MAI

    Recommended For You