Ngoài hình thức thi tập trung hoặc viết tiểu luận để nộp cho giảng viên, nhiều sinh viên học Văn học ứng dụng còn được giảng viên cho thực hiện các bộ phim ngắn để báo cáo kết thúc môn học.
Thông thường, việc học và tiếp thu kiến thức đối với môn Văn học nếu không có sáng tạo thì sẽ rất dễ trở nên khô khan. Đặc biệt là trong quá trình kiểm tra, việc dùng hình thức thi tập trung hoặc viết tiểu luận khiến học sinh, sinh viên căng thẳng, tiếp thu kiến thức khá chậm.
Nhằm giúp sinh viên tiếp thu kiến thức đã học và áp dụng vào thực tế, sinh viên học các lớp văn học, văn học ứng dụng của ngành Truyền thông đa phương tiện đã được giảng viên cho thực hiện phim ngắn để báo cáo kết thúc môn học. Đây được xem là hình thức thay thế cho việc thi tập trung hoặc viết tiểu luận.
Đối với hình thức thực hiện phim ngắn, các sinh viên sẽ được làm việc theo nhóm, mỗi nhóm gồm 5-10 thành viên, phân chia đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau như viết kịch bản, quay- dựng phim, làm truyền thông, hậu cần và điều phối nhân sự… để hoàn thành một bộ phim hoàn chỉnh có độ dài 10-25 phút.
Theo PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban Lý luận phê bình thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, việc làm phim báo cáo cuối kỳ là phương án hay để giúp sinh viên truyền tải thông điệp một cách hiệu quả thông qua kịch bản do chính mình viết.
Việc này còn góp phần xây dựng cầu nối văn hóa, thúc đẩy thay đổi xã hội và tạo ra sự tương tác trong cộng đồng. Mỗi tác phẩm phim ngắn của sinh viên dù chất lượng chưa cao nhưng hầu hết đều mang những ý nghĩa nhất định.
Cả sinh viên và giảng viên đều ủng hộ
Nhiều ngày theo chân các sinh viên lớp Văn học ứng dụng (Trường Đại học Văn Hiến) sản xuất phim ngắn cuối kỳ, phóng viên nhiều lần chứng kiến các sinh viên tuy gặp áp lực về thời gian nhưng vẫn cố gắng động viên nhau để vượt qua thử thách mà giảng viên đưa ra.
“Tập thể lớp chúng em thực hiện bộ phim ngắn với tên gọi “HẠ”, nội dung phim xoay quanh câu chuyện của một cậu sinh viên lớn lên trong gia đình nghiêm khắc, tình khiến cậu trở thành người sống khép kín, không có bạn.
Nhờ vào nỗ lực của bản thân và sự động viên của bạn bè, cậu sinh viên đó đã đối diện với nỗi niềm sâu kín nhất của mình và hiểu được mình là ai, mình muốn trở thành người như thế nào theo cách tích cực hơn trước”, sinh viên Lâm Hà Xuyên, lớp Văn học ứng dụng, Trường ĐH Văn Hiến cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu truyền tải thông điệp cho các bạn trẻ, ngoài những vai diễn sinh viên có thể tham gia hóa thân, còn có những vai diễn lớn tuổi buộc sinh viên phải mời những diễn viên có tuổi tác phù hợp tham gia.
Ngoài ra, để có thể quay được những cảnh diễn ưng ý có trong kịch bản, nhóm sinh viên đã phải chi tiền thuê thiết bị, tự thiết kế poster và kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp… Tất cả đều hoạt động với tinh thần hợp tác và sáng tạo không ngừng.
Là người luôn hỗ trợ cho các nhóm làm phim sinh viên, TS. Huỳnh Thị Mai Trinh, giảng viên Khoa Xã hội – Truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến, bày tỏ: “Để một bộ phim ngắn ra đời là công sức của cả tập thể sinh viên. Tuy nhiên, những áp lực sẽ được đền đáp khi khâu dựng phim hoàn thành. Quá trình thực hiện dự án phim ngắn là một bài học kinh nghiệm thực tế, giúp sinh viên định hình công việc trong tương lai của một người làm truyền thông”.
Hiện tại, dù chỉ mới tung trailer và các ấn phẩm poster truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, nhưng phim ngắn do sinh viên lớp Văn học ứng dụng (Trường ĐH Văn Hiến) đã để lại ấn tượng và thu hút nhiều người xem trên mạng xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ.
“Mặc dù chưa biết rõ nội dung của phim, nhưng qua trailer mà các bạn đăng tải, bản thân tôi cảm thấy bộ phim này có những câu chuyện mang rất nhiều ý nghĩa hay, truyền động lực sống cho rất nhiều bạn trẻ”, chị Võ Vũ Châu Giang (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ | Hồng Phong
* Hình bìa: Các sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trong quá trình sản xuất bộ phim ngắn – Ảnh: VGP/Hồng Phong